ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC GIANG

16/05/2023

Ngày 16/5, tại tỉnh Bắc Giang, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng đã làm việc với UBND tỉnh, các đơn vị, tổ chức liên quan.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI SỞ TƯ PHÁP HÀ NỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn; đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang, Hội Công chứng viên tỉnh; đại diện một số Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thực hiện kế hoạch số 1553/KH-UBPL15, Ủy ban Pháp luật dự kiến sẽ tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng” sau Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội. Để chuẩn bị cho phiên giải trình, Ủy ban pháp luật tổ chức các Đoàn khảo sát để làm việc với UBND của 7 tỉnh/thành phố trong cả nước để có thông tin đánh giá thực tiễn thi hành Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu tại cuộc làm việc

Qua phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật sẽ kiến nghị biện pháp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các bất cập, hạn chế (nếu có) trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về hoạt động công chứng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp trong các hợp đồng, giao dịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 văn phòng công chứng, 8/10 đơn vị hành chính cấp huyện có tổ chức hành nghề công chứng, huyện Yên Thế và Sơn Động chưa có tổ chức này. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa hoạt động công chứng, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định giải thể 2 phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp. Các văn phòng công chứng đã hoạt động có chuyển biến cả về chất và lượng, ngày càng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng tăng của cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh. 

Hoạt động quản lý công chứng cũng dần đi vào nề nếp; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng; tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra; công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực công chứng được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 67/2021/QĐ-UBND, trong đó quy định mức điểm chấm xét duyệt các tiêu chí thành lập văn phòng công chứng theo khu vực để khuyến kích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập văn phòng công chứng ở địa bàn chưa có. Tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng, triển khai sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và dữ liệu trên địa bàn tỉnh tại các tổ chức hành nghề công chứng và UBND cấp xã, qua đó giúp các cơ quan, tổ chức tra cứu, kiểm tra tình trạng giao dịch tài sản trước khi thực hiện công chứng, chứng thực.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tuy nhiên, hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; có biểu hiện công chứng “khống”, công chứng “treo”, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khó được phát hiện, xử lý kịp thời; cơ sở dữ liệu công chứng chưa thể kết nối, liên kết, tích hợp với dữ liệu của những ngành có liên quan…

Các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều cải tiến trong đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập văn phòng công chứng.

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu

Một số ý kiến lưu ý, theo quy định tại Luật Công chứng hiện hành, phòng công chứng không thành lập ở các địa bàn thuận lợi, kinh tế phát triển, nhưng ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các tổ chức tư nhân không thành lập văn phòng công chứng thì Nhà nước lập phòng công chứng để bảo đảm người dân, tổ chức được thực hiện đồng đều nhu cầu công chứng. Do vậy, tỉnh Bắc Giang cần quan tâm cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ công chứng trên địa bàn các huyện chưa thành lập văn phòng công chứng, trong khi đã bỏ phòng công chứng.   

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đại diện lãnh đạo các sở ngành, cơ quan đã giải trình ý kiến của thành viên Đoàn giám sát về mô hình hoạt động công chứng; các khó khăn, vướng mắc cụ thể; cơ sở dữ liệu về công chứng, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác; kiểm tra điểm hoạt động của công chứng viên trong một số văn phòng công chứng; hợp danh…

 Đối với việc cung cấp dịch vụ công chứng tại các huyện chưa thành lập văn phòng công chứng, theo đại diện các Sở ngành, nhu cầu công chứng của người dân ở địa bàn này hiện được cung cấp bởi văn phòng công chứng tại các huyện lân cận, nhìn chung không gặp nhiều trở ngại.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Giang về hoàn thiện quy định pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công chứng; đồng thời cho biết các kiến nghị sẽ được tổng hợp, rà soát, từ đó xây dựng văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có liên quan trong thời gian tới.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)