KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, XÃ TẠI HUYỆN LƯƠNG SƠN, TỈNH HOÀ BÌNH

13/05/2022

Chiều 12/5, Đoàn Giám sát chuyên đề về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 đã có buổi khảo sát tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.

 

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát với huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình

Tham dự buổi làm việc có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam; Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn; Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện Bộ Nội Vụ, Bộ Xây Dựng, đại diện một số sở, ngành địa phương.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Văn Danh cho biết: Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND, ngày 10/01/2020 về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó quy định cụ thể về nội dung công việc, lộ trình thời gian thực hiện, phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện và các thành viên Ủy ban nhân dân huyện, các phòng chuyên môn chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các xã tổ chức thực hiện.

Kết quả sau khi sáp nhập huyện Lương Sơn từ 20 đơn vị hành chính xuống còn 11 đơn vị hành chính, (giảm 09 đơn vị hành chính). Ngay sau khi các đơn hành chính mới đi vào hoạt động, Ủy ban nhân dân huyện đã thực hiện việc phân loại đơn vị hành chính, đến nay toàn huyện có 11 đơn vị hành chính, trong đó có 09 đơn vị hành chính loại I, 02 đơn vị hành chính loại II. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thành công, huyện Lương Sơn đã đủ tiêu chí lên Đô thị loại IV và đang hoàn thiện từng tiêu chí để lên thị xã sớm hơn so với theo kế hoạch vào năm 2025.

Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Văn Danh báo cáo với Đoàn Giám sát về hoạt động việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn huyện

Ngay sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động, số công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ đảm bảo theo vị trí việc làm khi tuyển dụng; mặc dù cùng một vị trí việc làm nhưng có chuyên ngành lên đến 12 người; Ủy ban nhân dân các xã đã chủ động xây dựng phân công nhiệm vụ cho công chức đảm bảo hài hòa, hiệu quả. Vì vậy, chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở luôn đạt hiệu quả cao, hạn chế được tình trạng yếu kém trong điều hành và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Sau hai năm từ khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc đánh giá, xếp loại chính quyền đều đạt và vượt kế hoạch, số xã đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn đạt tỷ lệ cao; không có xã, thị trấn không hoàn thành nhiệm vụ.

Tổng số trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi sáp nhập: 14 trụ sở. Số lượng trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã dôi dư sau sáp nhập: 09 trụ sở. Trong đó, Ủy ban nhân dân huyện đã điều chuyển 02 trụ sở UBND xã gồm: xã Thanh Lương và xã Tiến Sơn cũ thành điểm trường. Bán đấu giá 07 trụ sở UBND xã. 

Ủy ban nhân huyện Lương Sơn đã làm tốt công tác giải quyết chế độ chính sách theo quy định. Để hoàn thành chỉ tiêu tinh giản biên chế sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức dôi dư tự nguyện viết đơn nghỉ việc hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ và các chính sách khuyến khích của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Lương Sơn cho rằng trong qúa trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cũng gặp khó khăn vướng mắc như: Số lượng công chức xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính nhiều (có xã có 10 công chức văn phòng) nên khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí công việc, phân công nhiệm vụ, điều kiện làm việc. Đội ngũ cán bộ, công chức các xã mới sau sắp xếp đều có tuổi đời còn trẻ, nhiều đồng chí mới tham gia công tác, trúng tuyển công chức cách đây 4-5 năm, có đủ trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo vị trí việc làm, rất khó khăn cho việc tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2024. Bên cạnh đó, do sắp xếp lại đơn vị hành chính dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, nhiều người đảm nhiệm một vị trí tạo tâm lý ai đi, ai ở gây hoang mang về tư tưởng cho cán bộ, công chức. Công tác sắp xếp, bố trí công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư còn gặp nhiều khó khăn;việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập còn bất cập,điều kiện cần thiết để làm việc còn thiếu, nhất là phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Có xã phải bố trí trụ sở làm việc ở 2 nơi, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ công tác.

Do vậy, UBND huyện Lương Sơn cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kéo dài thời gian giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Nếu theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ; tất cả các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp phải giải quyết cán bộ, công chức dư xong hết trong năm 2024 là rất khó khăn; Đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành các Nghị quyết chính hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức nghỉ việc do dôi dư. Vì hiện nay Nghị quyết số 471/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022. Từ năm 2023 đến 2024 không còn các chính sách hỗ trợ cho số cán bộ, công chức dôi dư khi nghỉ việc, rất khó khăn cho công tác tinh giản biên chế theo kế hoạch; Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với những xã mới sáp nhập để giải quyết việc dôi dư cán bộ, công chức, vừa đảm bảo thực hiện công việc tăng lên do địa bàn xã mở rộng; xem xét tăng phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách, cán bộ hợp đồng xã nhằm đảm bảo thu nhập.

Đại biểu Tô Văn Tám Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản công, công tác bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Đại biểu Tô Văn Tám Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ ấn tượng trước việc huyện Lương Sơn đã chủ động xử lý được các tài sản dôi dư, đồng thời đề nghị huyện chia sẻ kinh nghiệm hay, bởi qua khảo sát thực tế tại một số địa phương ngoài việc chuyển đổi công năng sử dụng thì nhiều địa phương cho rằng những quy định về đấu giá tài sản còn gặp nhiều khó khăn, đang phải chờ hướng dẫn từ cấp trên.

Các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Lương Sơn cung cấp làm rõ thêm những tác động, ảnh hưởng của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính đối với người dân, nhất là ở những địa bàn sáp nhập nhiều xã vào 1 xã; hoạt động của các trạm y tế, trường học tại các xã sáp nhập.

Cho rằng sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ giúp tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn tạo ra không gian phát triển cho các địa phương, do vậy tại buổi làm việc, các ý kiến đại biểu đề nghị huyện đánh giá tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời đề nghị Huyện làm rõ một kế hoạch thực hiện một số tiêu chí về tỷ lệ đô thị hoá, huy động vốn đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền đô thị để đạt mục tiêu đến năm 2025 Lương Sơn trở thành đơn vị hành chính cấp thị xã.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương đánh giá cao nỗ lực của huyện Lương Sơn trong triển khai thực hiện Nghị quyết của UBTVQH. Báo cáo của Huyện Lương Sơn đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho Đoàn công tác. Đối với các kiến nghị của huyện, sẽ được Đoàn ghi nhận, báo cáo UBTV Quốc hội, các cơ quan hữu quan./.

Thùy Linh