CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI VÀ THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT

26/04/2021

Ngày 26/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần… 

Báo cáo tới Chủ tịch Quốc hội tại Phiên làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua các nhiệm kỳ, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 10% tổng số dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội. Năm 2006, Ủy ban đã chủ động đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; là một trong hai Ủy ban đầu tiên của Quốc hội thực hiện thành công quyền sáng kiến lập pháp. Ủy ban cũng là cơ quan đầu tiên của Quốc hội thực hiện tham vấn công chúng đối với một số dự án luật từ nhiệm kỳ Khóa XII và tiếp tục được kế thừa đến nay. Ủy ban có ý kiến độc lập, khách quan với ý kiến của Chính phủ, Ban soạn thảo các dự án luật; mạnh dạn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa trình ra Quốc hội các dự án luật không bảo đảm chất lượng.

Trong hoạt động giám sát, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng là Ủy ban đầu tiên của Quốc hội thực hiện thí điểm tổ chức phiên giải trình (tháng 4.2010); thường xuyên tổ chức các phiên làm việc, chất vấn mang tính chất như giải trình để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về các vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng nêu rõ một số tồn tại trong các hoạt động được giao nhiệm vụ của Ủy ban. Trên cơ sở đó, các thành viên Thường trực Ủy ban cũng đề xuất nhiều nội dung quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội cũng như trong các lĩnh vực phụ trách. Trong đó, về lập pháp, các ý kiến đề nghị cần quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân để kiến nghị xây dựng và sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội. Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số luật để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết liên quan. Có giải pháp đối với những vấn đề cần thiết phải thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, cuộc sống đòi hỏi phải điều chỉnh bằng luật nhưng các cơ quan có trách nhiệm không quan tâm xây dựng, đề xuất xây dựng…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Thường trực Ủy ban đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, toàn diện. Bên cạnh những việc đã làm được, Thường trực Ủy ban đã đánh giá về những việc còn hạn chế, nêu rõ những việc mong muốn làm tốt hơn. Lãnh đạo Quốc hội đánh giá rất cao hoạt động của Ủy ban, các mặt công tác đều đạt chất lượng tốt và có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với các định hướng hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới; mong muốn, Thường trực Ủy ban nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn hết sức quan trọng của mình khi các lĩnh vực phụ trách đều có tính gắn kết, phức tạp và lan tỏa rất cao. Khẳng định quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội…, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban không chỉ quan tâm đến các vấn đề xã hội thuộc lĩnh vực phụ trách mà còn phải hết sức quan tâm đến khía cạnh xã hội trong các vấn đề kinh tế và tính kinh tế trong các vấn đề xã hội. Cùng với đó, cần chủ động rà soát khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; chủ động xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trên tất cả các mặt công tác lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia… Bám sát các quan điểm rất lớn, rất mới và các nội dung về quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội đã được nêu rất đầy đủ, toàn diện tại Nghị quyết Đại hội XIII, các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số… Từ đó có những định hướng dài hạn về xây dựng pháp luật để Quốc hội ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện vai trò lập pháp; đề xuất các vấn đề cần có sự giám sát của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát của Ủy ban để bảo đảm hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật về xã hội.

+ Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đầu nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Pháp luật có 42 thành viên, trong đó có 12 thành viên làm việc chuyên trách tại Ủy ban hợp thành Thường trực Ủy ban gồm Chủ nhiệm, 03 Phó Chủ nhiệm và 08 Ủy viên Thường trực cùng với 30 Ủy viên khác làm việc tại các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Với cơ cấu thành phần đa dạng, phong phú và tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động của Ủy ban trên các mặt công tác, nâng cao chất lượng thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; thực hiện tốt chức năng giám sát, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các nhiệm vụ, quyền hạn khác mà Ủy ban được giao đảm nhiệm. Trong công tác lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra 12 dự án luật, 05 nghị quyết của Quốc hội, 08 nghị quyết của UBTVQH. Ủy ban còn thực hiện việc tham gia thẩm tra, phối hợp tiếp thu, chỉnh lý đối với 69 dự án luật, 16 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 02 dự án pháp lệnh, 11 dự thảo nghị quyết của UBTVQH do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại buổi làm việc

Từ thực tiễn hoạt động, các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị: cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là ở công đoạn xây dựng chương trình và giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về các nguyên tắc và định hướng cơ bản trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hoặc nghiên cứu ban hành mới quy định về quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như: thủ tục thảo luận, tranh luận của đại biểu Quốc hội; quy trình lựa chọn, đề xuất và quyết định các vấn đề cần biểu quyết của dự thảo luật tại Kỳ họp Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật; quy trình, cách thức tổ chức phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban… Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chuyển trọng tâm vào công tác giám sát hoạt động thi hành pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chú trọng triển khai giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, định kỳ hàng năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong thành công chung của Quốc hội Khóa XIV có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban Pháp luật. Với khối lượng công việc rất nhiều nhưng Ủy ban đã có nhiều đổi mới, cách làm hay để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Ủy ban Pháp luật đã tiến hành giám sát thường xuyên việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó đã giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết của toàn bộ 24 luật được Quốc hội Khóa XIII thông qua và 10 luật được Quốc hội thông qua do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra; giúp Quốc hội triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Nghị quyết 18 NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành viên Ủy ban hoạt động tại nghị trường rất tích cực, trách nhiệm.

Ghi nhận và nhất trí với nhiều đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ban hành một nghị quyết xác định chiến lược và định hướng cơ bản về xây dựng pháp luật của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ không có gì mâu thuẫn với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn góp phần bảo đảm tính chủ động, vai trò dẫn dắt của Quốc hội trong hoạt động lập pháp và hoàn thiện thể chế, bảo đảm hơn tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong thời gian, Ủy ban Pháp luật cũng cần phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tập trung rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh để hợp sức cùng Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số luật nếu thấy cần thiết.

Tới đây, Ban Chấp hành Trung ương sẽ nghiên cứu ban hành một nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, tập trung vào: hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật chủ động rà soát, nghiên cứu các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách để đóng góp ý kiến cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương./.

Hồ Hương - Minh Hùng