ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ THỰC HIỆN LUẬT CƯ TRÚ

17/07/2020

Sáng ngày 17/7, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội

Thay mặt UBND TP Hà Nội, báo cáo với Đoàn công tác về dự thảo kết quả thực hiện pháp luật về cư trú trên địa bàn TP, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, các quy định của Luật Cư trú, Nghị định 31/2014/NĐ – CP ngày 18.4.2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT – BCA ngày 9.9.2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú về cơ bản đang rất thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, các điều kiện ràng buộc, gây khó khăn cho công dân trước đây như “có hộ khẩu thì có nhà mà có nhà thì mới có hộ khẩu” đã cơ bản được loại bỏ. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đã thoát ly khỏi sự ràng buộc vào sổ hộ khẩu nên đã tạo điều kiện cho công dân các tỉnh khác về Hà Nội yên tâm lao động, làm việc và học tập, giúp cho Thành phố có đủ lực lượng lao động để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, duy trì tốt sự phát triển nhanh và ổn định như hiện nay.

Tuy nhiên, vướng mắc trên địa bàn Thành phố là còn nhiều nhân khẩu chưa được đăng ký thường trú tại địa chỉ đang sinh sống thường xuyên do vướng mắc về nhà đất như đất lấn chiếm, nằm trong quy hoạch… nên UBND các xã, phường, thị trấn không xác nhận về nhà đất, không đủ điều kiện đăng ký thường trú, gây khó khăn cho công tác quản lý… Hay quy định không thống nhất giữa các điều, khoản của Luật Cư trú nên nhiều trường hợp đã lợi dụng kẽ hở để lách luật như đăng ký thường trú cho 1 người theo điều kiện diện tích bình quân, sau đó đăng ký tiếp cho các thành viên trong gia đình theo điều kiện bình thường của luật không bị ràng buộc bởi diện tích bình quân. Đăng ký thường trú vào ngoại thành sau đó đăng ký vào nội thành để tránh điều kiện tạm trú 3 năm; Tự thành lập doanh nghiệp để được đăng ký thường trú theo diện hợp đồng lao động không xác định thời hạn…

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật đã đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ hơn về số liệu thường trú, tạm trú, cư trú. Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đặt vấn đề đổi mới phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ có tác động như thế nào đối với Thành phố? Nếu bỏ sổ hộ khẩu có nên rà soát và loại bỏ bớt những điều kiện gắn với hộ khẩu nơi cư trú, nơi thường trú trong các quy định hiện hành hay không? 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi) phải bảo đảm tính khả thi, nên mục đích của Đoàn công tác mong muốn có thêm những thông tin hữu ích từ thực tiễn, đánh giá một cách khách quan những quy định nào phù hợp, có thể đi vào cuộc sống và những quy định nào còn băn khoăn phải có thêm ý kiến từ cơ sở để điều chỉnh. Hà Nội là thủ đô với rất nhiều đặc thù, đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về quản lý dân cư. Không phải ngẫu nhiên Luật Thủ đô đặt ra điều kiện riêng về đăng ký thường trú ở TP Hà Nội khác với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước. Do đó, cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện, khách quan việc đổi mới phương thức quản lý cư dân theo hình thức cấp số định danh cá nhân. Khi không còn sổ hộ khẩu, cái gì sẽ thay thế cho việc thực hiện các thủ tục cần chứng minh nơi cư trú của người dân. Trong quá trình rà soát pháp luật về cư trú thì thủ tục nào cần tiếp tục gắn với “hộ khẩu” (điều kiện về nơi thường trú), thủ tục nào lược bỏ được mà chỉ cần số định danh cá nhân, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân và nhà nước vẫn quản lý tốt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh. 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)