PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA TIỂU BAN PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỰ

15/06/2022

Chiều ngày 15/6, tại Nhà Quốc hội, Tiểu ban Pháp luật về dân sự của Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp lần thứ Nhất để trao đổi, thống nhất về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Trần Hồng Nguyên chủ trì Phiên họp.

 

Tham dự Phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương và các Ủy viên của Ủy ban cùng các thành viên của Tiểu ban Pháp luật về dân sự.

Tại Phiên họp, đề cập về Kế hoạch Triển khai một số hoạt động của Tiểu ban Pháp luật về dân sự từ nay đến tháng 12/2022, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Tiểu ban Hoàng Minh Hiếu cho biết, ngày 30/3/2022, Ủy ban Pháp luật ban hành Nghị quyết số 658/NQUBPL15 về việc thành lập các Tiểu ban của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong đó có Tiểu ban Pháp luật về dân sự. Thường trực Tiểu ban Pháp luật về dân sự dự kiến kế hoạch triển khai một số hoạt động và phân công trách nhiệm của thành viên Tiểu ban.


Toàn cảnh Phiên họp thứ Nhất của Tiểu ban Pháp luật về dân sự.

Về nhiệm vụ của Tiểu ban: Căn cứ Điều 70 của Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 6 của Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật (ban hành kèm theo Nghị quyết số 441/NQ-UBPL15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Pháp luật) và khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 658/NQ-UBPL15, Tiểu ban Pháp luật về dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề liên quan đến pháp luật về dân sự, giao dịch bảo đảm; đăng ký giao dịch bảo đảm; đấu giá tài sản; tổ hợp tác; nuôi con nuôi; quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhà ở; quốc tịch; công chứng, chứng thực; sở hữu trí tuệ, cư trú; hải quan; biển; tiếp cận thông tin; văn thư, lưu trữ; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và hoạt động giám sát. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Tiểu ban tập trung tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất: Đối với hoạt động lập pháp, trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tiểu ban có trách nhiệm tham mưu, giúp Uy ban Pháp luật thẩm tra đối với những dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực pháp luật về dân sự. Thông tin về những dự án cụ thể sẽ được Trường Tiểu ban thông báo sau khi có sự phân công.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Tiểu ban Pháp luật về dân sự Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại Phiên họp.

Thứ hai: Đối với hoạt động giám sát, trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật hằng năm, Tiểu ban có trách nhiệm nghiên cứu tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật định kỳ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách theo kỳ giám sát (ngày 01/7 năm trước đến ngày 30/6 năm tiếp theo).

Căn cứ Nghị quyết số 198/NQ-UBPL15 ngày 01/10/2021 của Ủy ban Pháp luật về Chương trình giám sát năm 2022, Tiểu ban nghiên cứu tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính” (dự kiến tổ chức vào tháng 9/2022).

Thứ ba: Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Thường trực Ủy ban, Ủy ban Pháp luật.

Về trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Tiểu ban Hoàng Minh Hiếu cho biết, Bộ phận Thường trực Tiểu ban có trách nhiệm cung cấp tài liệu, dự kiến thời gian tổ chức các hoạt động và thông báo kịp thời đến các thành viên của Tiểu ban. Thành viên Tiểu ban chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp tại cuộc họp hoặc gửi ý kiến khi không tham dự được cuộc họp của Tiểu ban; đồng thời, quan tâm bố trí thời gian tham gia các hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm do Tiểu ban tổ chức.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên của Tiểu ban Pháp luật về dân sự tập trung đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động của Tiểu ban; nâng cao chất lượng thẩm định của các đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật; thời gian hoạt động của Tiểu ban để triển khai các kế hoạch đặt ra…


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Pháp luật về dân sự Trần Hồng Nguyên phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Trần Hồng Nguyên ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các thành viên để Tiểu ban ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Hầu hết các thành viên đều rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của Tiểu ban nói riêng cũng như đóng góp ý kiến, đề xuất thiết thực vào xây dựng hệ thống pháp luật nói chung. Tất cả những ý kiến của các thành viên sẽ được tổng hợp để triển khai Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới được chất lượng và hiệu quả nhất./.

Một số hình ảnh của Phiên họp:


Các đại biểu tham dự Phiên họp thứ Nhất của Tiểu ban Pháp luật về dân sự.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu tại Phiên họp.


Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy-Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Tiểu ban Pháp luật về dân sự đóng góp ý kiến về nâng cao chất lượng hoạt động của Tiểu ban.


Đại biểu Hoàng Quốc Khánh- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Ủy viên Tiểu ban Pháp luật về dân sự nêu quan điểm cần nâng cao chất lượng thẩm định của các đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật.


Các Ủy viên Tiểu ban Pháp luật về dân sự khác cũng cho rằng, cần đưa ra thời gian hoạt động của Tiểu ban để triển khai các kế hoạch đặt ra…


Tiểu ban Pháp luật về dân sự chụp ảnh lưu niệm.

Bích Lan - Minh Thành