ỦY BAN PHÁP LUẬT THÔNG QUA ĐỀ ÁN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN

29/12/2021

Tiếp tục phiên họp toàn thể trực tuyến lần thứ 3, chiều 29/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã xem xét thông qua Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật; Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật (sửa đổi) và Kế hoạch công tác năm 2022 của Ủy ban Pháp luật.

Trình bày Tờ trình về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Đề án được xây dựng nhằm đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Ủy ban Pháp luật trong thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay; làm rõ kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; xác định các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và các nhiệm kỳ tiếp theo.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trình bày Tờ trình về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật.

Đặt trong tổng thể các định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đề án kế thừa những mặt tích cực về tổ chức và phương thức hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ vừa qua; tham khảo có chọn lọc mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan khác của Quốc hội, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện hoạt động thực tiễn của Ủy ban Pháp luật.

Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trong đó, về công tác xây dựng pháp luật, Đề án nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập, triển khai theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tục nâng cao chất lượng công tác chủ trì thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; tăng cường hơn nữa sự chủ động phối hợp từ sớm, từ xa trong công tác tham gia thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trong công tác giám sát, tập trung làm tốt công tác xây dựng chương trình giám sát, bảo đảm đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao, có trọng tâm, trọng điểm, rõ mục tiêu và gắn với nhiệm vụ xây dựng pháp luật hoặc các vấn đề bức xúc, dư luận, cử tri quan tâm. Tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại Ủy ban. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo định kỳ hằng năm của Chính phủ; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tiếp nhận, xử lý đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Ủy ban, Thường trực Ủy ban một cách bài bản, kịp thời, hiệu quả.

Trong thời gian tới, chú trọng việc đổi mới phương thức hoạt động của Ủy ban theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức làm việc, rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng cường mối quan hệ, kết nối giữa Thường trực Ủy ban với các thành viên của Ủy ban và giữa các thành viên Ủy ban với nhau; huy động sự tham gia sâu của các thành viên vào hoạt động của Ủy ban; phát huy sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan cùng tham gia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật, trên cơ sở quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cũng xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày Tờ trình về việc ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, Quy chế mới bổ sung chức danh Ủy viên Chuyên trách trong cơ cấu của Thường trực Ủy ban; bổ sung nội dung liên quan đến việc thành lập các Tiểu ban của Ủy ban và việc tổ chức các Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật; sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến số lượng thành viên Ủy ban tham gia phiên họp toàn thể của Ủy ban.

Việc bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Tiểu ban, thành viên Tiểu ban, thu hút các thành viên Ủy ban, các chuyên gia tham gia hoạt động của Tiểu ban. Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ủy ban Pháp luật, của Ủy viên Chuyên trách; sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực để bảo đảm phù hợp với nội dung trong Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Quy chế cũng bổ sung quy định về hoạt động phối hợp của Ủy ban, Thường trực Ủy ban Pháp luật với các cơ quan có liên quan như Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; quy định trách nhiệm của thành viên Tiểu ban khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban.

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến hình thức hoạt động của tập thể Ủy ban Pháp luật, của Thường trực Ủy ban Pháp luật, của Tiểu ban và một số nội dung khác để phù hợp với tình hình thực tiễn và thống nhất với quy định trong Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Căn cứ vào Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đối chiếu với các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Pháp luật cũng ban hành Kế hoạch công tác năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, 100% đại biểu tham dự phiên họp đã biểu quyết thông qua Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật; Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật (sửa đổi) và Kế hoạch công tác năm 2022 của Ủy ban Pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban và bộ phận giúp việc sẽ tiếp thu và hoàn thiện các văn bản chính thức để sớm ký ban hành và triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2022./.

Bảo Yến