Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội. Nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết này là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời triển khai Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều; đồng thời nhằm tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở địa phương.
Các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc như thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Một số ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết giao Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự có các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật tại trung tâm điều hành Quốc hội điện tử; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Pháp luật tham gia họp trực tuyến.
Trình bày dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng Ban soạn thảo Nghị quyết cho biết dự thảo Nghị quyết quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan tương đương cấp Sở, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và các đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Về cơ cấu, tổ chức, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng Ban soạn thảo Nghị quyết cho biết dự thảo Nghị quyết xây dựng theo hướng Văn phòng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hợp lý, đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Văn phòng có có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Văn phòng có 4 phòng gồm Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và 01 phòng do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết. Việc ban hành Nghị quyết này là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời triển khai Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều; đồng thời nhằm tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng phát biểu tại phiên họp.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân cho rằng, dự thảo Nghị quyết xác định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương cấp sở do đó việc giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập là đúng thẩm quyền; đồng thời khẳng định vị trí pháp lý, vai trò của Văn phòng trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng Ban soạn thảo Nghị quyết trao đổi tại phiên họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng Ban soạn thảo Nghị quyết tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu tại phiên họp.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nên rõ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đầy đủ, kỹ lưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ được thể hiện theo hai phương án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tới./.