ỦY BAN PHÁP LUẬT TIẾN HÀNH PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 29

31/08/2020

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 29 để thẩm tra, cho ý kiến một số nội dung. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp. Dự kiến Phiên họp diễn ra trong hai ngày từ 31/8-1/9 với hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh Phiên họp trực truyến điểm cầu tại Nhà Quốc hội

Theo chương trình làm việc, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 29 này, Ủy ban Pháp luật sẽ cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi); Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Thẩm tra đề nghị của Chính phủ về mức phạt tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực về nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Trong Phiên làm việc sáng ngày 31/8, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Theo đó, thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trương Minh Hoàng nêu rõ, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp Quốc hội, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an – là cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2020), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật này. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cùng dự thảo Luật đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước nữa và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời nội dung này cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tới đây.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trương Minh Hoàng báo cáo một số nội dung

Để có thêm cơ sở cho việc tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật này, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo với Ủy ban một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) để các đồng chí thành viên Ủy ban tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến. Cụ thể:

Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21), qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25), thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn với quy định về xóa đăng ký thường trú, đề nghị cần xem xét thận trọng các trường hợp xóa đăng ký thường trú bởi có thể sẽ tác động bất lợi đến người dân khi thực hiện các quyền và thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cá nhân, thông tin về nơi thường trú.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, cân nhắc, các cơ quan đều thầy rằng việc “xóa đăng ký thường trú” đã được quy định trong Luật hiện hành; dự thảo Luật do Chính phủ trình tiếp tục quy định về xóa đăng ký thường trú nhưng đã có những điều chỉnh để phù hợp với việc thực hiện phương thức quản lý cư trú mới thông qua cơ sở dữ liệu. Cụ thể là xóa đăng ký thường trú chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; khi tra cứu thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ không thể hiện địa chỉ nơi thường trú đã bị xóa, còn mọi thông tin khác của công dân đó vẫn được giữ nguyên trên các cơ sở dữ liệu nói trên.

Về điều kiện đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (khoản 2 Điều 28), qua thảo luận, hiện vẫn còn 02 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định có tính kế thừa Luật hiện hành là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản, nhưng có bổ sung ngoại lệ đối với người đăng ký tạm trú có quan hệ nhân thân. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước. Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó. Do đó, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay.

Các điểm cầu trực tuyến

Về điều khoản thi hành (Điều 39), qua thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021 như cam kết của Chính phủ và Bộ Công an. Tuy nhiên, do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, cập nhật dữ liệu và hoàn thiện trước khi có thể vận hành một cách xuôn xẻ trên thực tế, nên trong quá trình này, nếu phát sinh các vấn đề mới có thể dẫn đến việc không thể kịp hoàn thành theo thời gian nói trên, thì Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban. Đi vào một số nội dung cụ thể, một số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm về vấn đề để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thì việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết, song nên giới hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu này không được thấp hơn 08m2 sàn/người.

Đối với một số vấn đề về quy định chuyển tiếp, có ý kiến đề nghị cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân sau khi Luật này đã có hiệu lực thi hành. Cụ thể, đề nghị Chính phủ cần thống kê rõ sau khi luật thông qua, có bao nhiêu thủ tục cần giữ lại sổ hộ khẩu, trong số đó bao nhiêu thủ tục thuộc ngành công an, bao nhiêu thủ tục thuộc ngành khác, các ngành đó cam kết phối hợp ra sao. Trên cơ sở có tính toán về định lượng thì mới có căn cứ để xác định vấn đề chuyển tiếp một cách phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận một số nội dung

Kết luận một số nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến thảo luận của thành viên Ủy ban cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban; đồng thời cần tiếp tục rà sóat làm rõ thêm một số vấn đề về điều kiện đăng ký thường trú để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và các quy định của Luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời nội dung này cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến vào tháng 9 tới đây./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh