XÁC ĐỊNH ĐỊA VỊ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ CHO ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

02/10/2019

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Pháp luật, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội từ đó có cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện chức năng nhiệm vụ cũng như tạo cơ sở để quy định các vấn đề liên quan đến kinh phí hoạt động, bộ máy giúp việc.

Quy định về kinh phí phải tạo thuận lợi cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội

Theo Tờ trình số 442/TTr-UBTVQH14 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc bầu, phê chuẩn Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định chung về bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Theo đó, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ phận tham mưu giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội, chi phí cho đại biểu Quốc hội khi tham gia các hoạt động do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức do ngân sách trung ương bảo đảm.

Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật thì vai trò, vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ khó khách quan, độc lập, khó thực hiện nhiệm vụ đại biểu của nhân dân cả nước. Do đó, đề nghị quy định theo hướng trung ương có trách nhiệm trực tiếp quản lý, trả lương, bảo đảm chế độ chính sách cho Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình 

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho rằng cần tách bạch quy định về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng kinh phí cho bộ máy giúp việc nếu là cơ quan của địa phương thì kinh phí địa phương bảo đảm, địa phương bảo đảm trụ sở làm việc và các điều kiện cần thiết khác nhưng kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội phải do trung ương bảo đảm. Bởi đại biểu Quốc hội dù ở trung ương hay địa phương thì hoạt động của các đại biểu đều phục vụ cho Quốc hội, là đại biểu của cử tri cả nước.

Đại biểu Phan Thái Bình cho biết thêm, nếu kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do địa phương bảo đảm thì cùng là Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ quyền hạn như nhau nhưng có Đoàn thì được bảo đảm đầy đủ nhưng có Đoàn lại rất khó khăn, đặc biệt là tại các địa phương chưa tự chủ được ngân sách. Do đó, quy định về kinh phí cần phải được cân nhắc hợp lý để bảo đảm hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo

Cùng quan điểm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho rằng kinh phí hoạt động cho đoàn đại biểu Quốc hội nên do Quốc hội phân bổ cho từng Đoàn đại biểu và Trưởng Đoàn chịu trách nhiệm điều hành quản lý. Nếu kinh phí của Đoàn đại biểu Quốc hội do địa phương bảo đảm tức đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định ngân sách hoạt động cho đại biểu Quốc hội là không hợp lý, không phù hợp với mặt lý luận.

Xác định đầy đủ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội

Liên quan đến quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phản ánh, vị trí vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay còn lấp lửng, ở trung ương cũng quản lý ở địa phương cũng quản lý nhưng nằm ở đâu thì không rõ. Do đó, sửa luật lần này cũng phải sửa quy định về vị trí pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội rõ ràng cụ thể theo hướng quy định là tổ chức có tư cách pháp nhân. Từ đó xác định vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cũng cho rằng Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định lỏng lẻo về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội. Do đó, cần phải trả lại địa vị pháp lý đầy đủ cho Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có trụ sở, có kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật khi đó bảo đảm được hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia các quan hệ với các cơ quan trung ương, địa phương, thực hiện nhiệm vụ, khẳng định vị thế của mình.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khi quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cũng cần xác định rõ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội. Để thực hiện phân bổ kinh phí theo hướng do Trung ương và địa phương bảo đảm, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cần bổ sung quy định theo hướng xác định rõ Đoàn đại biểu Quốc hội nằm trong cơ quan của địa phương. Tuy nhiên, để bảo đảm sự độc lập, chủ động trong tiến hành các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, việc phân bổ kinh phí cho Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bảo Yến - Nghĩa Đức