Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là hai đề án rất lớn, các địa phương đã chuẩn bị rất tích cực, trong đó Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong tổ chức thực hiện.
Theo nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 thì sẽ có 46 tỉnh có đề án tương tự và dự kiến giảm được hơn 600 xã và một số huyện và trong năm 2019 cơ bản phải thực hiện xong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Do đó nhiệm vụ sắp tới của Ủy ban trong việc thẩm tra các đề án của các tỉnh là hết sức nặng nề và gấp rút.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Chiều 30/9, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu cơ bản đồng ý với đề án của tỉnh Thanh Hóa và của tỉnh Hải Dương; đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề, đề nghị Chính phủ và địa phương có văn bản giải trình.
Theo đó, đề nghị sắp xếp giai đoạn này phải có tính toán tầm nhìn cho giai đoạn sau để bảo đảm sự ổn định tương đối, vừa thực hiện được Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vừa bảo đảm sự ổn định đời sống của nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp.
Việc nhập xã lớn vào thị trấn nhỏ, một số ý kiến cho rằng không hợp lý do diện tích lớn, yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở đô thị sẽ rất khó khăn, đồng thời theo khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 thì cho phép nhập xã vào thị trấn lấy tên thị trấn nhưng cần phải có văn bản báo cáo giải trình, cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó đề nghị Chính phủ và địa phương có báo cáo bổ sung về vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Thị Thìn giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, đồng thời xin tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, Đề án, báo cáo giải trình thêm về việc lấy ý kiến nhân dân, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư, chế độ chính sách… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.