ỦY BAN PHÁP LUẬT TÁN THÀNH BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024
Phiên họp toàn thể lần thứ 25 của Ủy ban Pháp luật
Tham dự phiên họp có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.
Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; đại diện một số cơ quan có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 03 tỉnh, thành phố đã thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Theo đó:
Đối với thành phố Cần Thơ, trong giai đoạn 2023 -2025, thành phố Cần Thơ không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp; đối với ĐVHC cấp xã, có 04 phường thuộc diện sắp xếp (An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình) thuộc quận Ninh Kiều. Thành phố xây dựng phương án nhập 04 phường nêu trên để thành lập phường Thới Bình (mới) thuộc quận Ninh Kiều. Sau sắp xếp, thành phố Cần Thơ giảm 03 phường: Từ 83 ĐVHC cấp xã (36 xã, 42 phường, 05 thị trấn) còn 80 ĐVHC cấp xã (36 xã, 39 phường, 05 thị trấn).
Đối với tỉnh Ninh Thuận,trong giai đoạn 2023 -2025, tỉnh Ninh Thuận không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp; đối với ĐVHC cấp xã, có 03 phường thuộc diện sắp xếp (Mỹ Hương; Kinh Dinh; Thanh Sơn) và 02 phường liền kề (Tấn Tài và Phủ Hà) thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Như vậy, tỉnh Ninh Thuận có 05/65 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (05 phường). Tỉnh xây đựng 02 phương án sắp xếp để thành lập 02 phường mới. Kết quả, sau sắp xếp, tỉnh Ninh Thuận giảm 03 phường: Từ 65 ĐVHC cấp xã (47 xã, 15 phường, 03 thị trấn) còn 62 ĐVHC cấp xã (47 xã, 12 phường, 03 thị trấn).
Các đại biểu tham dự phiên họp
Đối với tỉnh Phú Yên, trong giai đoạn 2023 -2025, tỉnh Phú Yên không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp; đối với ĐVHC cấp xã, có 05 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp (xã Bình Ngọc và các Phường 1,2,3,4); 04 phường liền kề (Phường 5,6,8,9) thuộc thành phố Tuy Hòa. Như vậy, tỉnh Phú Yên có 09/110 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (gồm 01 xã và 08 phường). Tỉnh xây dựng 03 Phương án sắp xếp để thành lập 05 phường mới. Kết quả, sau sắp xếp, tỉnh Phú Yên giảm 04 ĐVHC cấp xã (03 phường và 01 xã): Từ 110 ĐVHC cấp xã (83 xã, 21 phường, 06 thị trấn) còn 106 ĐVHC cấp xã (82 xã, 18 phường, 06 thị trấn).
Về việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 03 địa phương thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cả 03 địa phương đều đề nghị: Giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; Nhập các Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới); đồng thời các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới ) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng báo cáo về bố trí, giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư; giải quyết trụ sở công dôi dư sau sắp xếp…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy
Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ. Đồng thời, nhấn mạnh Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ tán thành với phương án sắp xếp 04/83 ĐVHC cấp xã của thành phố Cần Thơ; sắp xếp 05/65 ĐVHC cấp xã của tỉnh Ninh Thuận và sắp xếp 05/110 ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Yên là phù hợp với các quy hoạch có liên quan theo quy định của Nghị quyết số 35. Các phường mới sau sắp xếp đều đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang
Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý: Đối với đề án của thành phố Cần Thơ, đề nghị báo cáo thêm về dự kiến của địa phương về phương án sắp xếp đối với phường Tân An trong giai đoạn 2026 - 2030, không vì lý do là ĐVHC liền kề với ĐVHC đã sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 để không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tới. Liên quan đến đề án của tỉnh Phú Yên, đề nghị Chính phủ giải trình, cung cấp thêm thông tin về xã Bình Ngọc để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chất lượng đô thị đối với Phường 1 sau sắp xếp cũng như toàn bộ thành phố Tuy Hòa.
Ngoải ra, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ; có biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư đối với các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, đặc biệt là các ĐVHC đô thị; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân khi sắp xếp ĐVHC,…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên trong việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Tất cả các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp đều có phương án sắp xếp, điều chỉnh cụ thể. Hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Nghị quyết số 35, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, “Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp thứ 36 tới đây”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với phương án về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sau sắp xếp của 3 địa phương; phương án bố trí và giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp. Đồng thời, tán thành với đề nghị phương án giải quyết trụ sở công dôi dư sau sắp xếp như đề xuất tại các Tờ trình. /.