BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG, CÔNG KHAI VÀ MINH BẠCH TRONG THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI DOANH NGHIỆP

22/07/2022

Chiều 22/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.


Toàn cảnh hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đại biểu Quốc hội, đại diện Liên đoàn Lao động một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn một số ngành trung ương, Tổng Công ty và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, một số Văn phòng Luật sư và Công ty luật.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ dự án Luật, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc ban hành Luật này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân" với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở" được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, qua thảo luận tại Quốc hội, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh đối với việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Một số ý kiến cho rằng, Luật chỉ nên quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước, không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác cũng như hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động vì thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói chung đã được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ; việc mở rộng đối tượng điều chỉnh không phù hợp với bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện; có thể làm xáo trộn các mối quan hệ xã hội đã và đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bởi các đạo luật khác. Ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự thảo Luật vì khó thực hiện, ảnh hưởng đến quá trình xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp, có thể làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, tăng chi phí, tạo thêm gánh nặng, sức ép cho doanh nghiệp; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện một số điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để có cơ sở cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động nói chung, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị để lắng nghe ý kiến của cả các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã — đại diện cho phía người sử dụng lao động và ý kiến của các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động, hiệp hội nghề nghiệp – đại diện cho những người lao động cùng các chuyên gia về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có sử dụng lao động. Đây đều là những đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi các chính sách và quy định tại dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị các đại biểu bằng kinh nghiệm và thực tiễn công tác của mình, cùng phát biểu, trao đổi ý kiến để góp ý cụ thể vào các nội dung về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực hiện của Luật khi được ban hành, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao khi trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) sắp tới.

Báo cáo một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp cho thấy, nơi nào thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp thì quan hệ lao động tại doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định, người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc công khai thông tin, lấy ý kiến người lao động về phương án sản xuất, kinh doanh, tạo sự đồng thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, qua đó cho thấy vai trò, ý nghĩa của thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn báo cáo một số vấn đề liên quan đến dự án Luật

Từ những căn cứ nêu trên, Chính phủ đã trình Quốc hội theo hướng quy định về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp và có tính đến đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, dự thảo Luật đã trình Quốc hội có một chương - Chương IV về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, bao gồm quy định về công khai thông tin; người lao động quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát (áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp và quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước). Quy định tại Chương IV về cơ bản kế thừa các quy định tại mục 2 Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP; đồng thời bổ sung một số nội dung mới gồm: bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).

Đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh, Hội nghị này là cơ hội để cơ quan soạn phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến, rà soát, chỉnh lý các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các loại hình, quy mô của doanh nghiệp; đồng thời bổ sung quy định về đặc thù của doanh nghiệp nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, từ đó hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp và người lao động cơ bản thống nhất rằng thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là cơ chế để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, thảo luận, bàn bạc và đóng góp xây dựng doanh nghiệp, đồng thời người sử dụng lao động nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hợp tác, cùng phát triển. Do vậy, thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn là cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Đi vào các vấn đề cụ thể, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về phạm vi điều chỉnh của Luật, việc công khai thông tin tại doanh nghiệp, việc người lao động tham gia ý kiến, người lao động quyết định, người lao động kiểm tra và giám sát. Phát biểu ý kiến, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Hồng Quang cùng một số đại biểu cho rằng, Chương 1 của Dự thảo Luật nên có đề cập quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó những điều khoản sau đều dẫn chiếu theo quy định chung này. Các cơ sở sẽ sử dụng khung chung và quy định cụ thể ở đơn vị của mình. Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng lao động.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị

Có ý kiến cho rằng, trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, một trong những hình thức để Nhân dân thực hiện kiểm tra là thông qua hoạt động kiểm tra của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (Điều 29). Còn người lao động tại doanh nghiệp giám sát người sử dụng lao động thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp nhà nước; thông qua hoạt động giám sát của tổ chức đại diện người lao động; thông qua hội nghị người lao động (Điều 56). Như vậy, thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động theo hợp đồng cũng cần bao quát đến Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

Một số đại biểu cho rằng, thực tế người lao động không thể tự mình thực hiện việc kiểm tra mà phải thông qua tập thể, các tổ chức đại diện của người lao động hoặc các tổ chức như công đoàn, hội phụ nữ, thanh niên; khiếu nại, tố cáo không phải là một hình thức để người lao động kiểm tra. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc quy định người lao động kiểm tra thông qua các hình thức kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật là thiếu khả thi, làm xấu đi quan hệ lao động nhiều hơn là đối thoại, bàn bạc, trao đổi để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không đảm bảo nguyên tắc thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động, hiệp hội, chuyên gia tại Hội nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, các ý kiến thảo luận đều rất sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, nhiều nội dung góp ý cụ thể vào các điều, khoản của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, sau Hội nghị này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ sẽ khẩn trường tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến phản biện, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu để phục vụ việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 8 tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh hội nghị

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại hội nghị

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị các đại biểu phát biểu, trao đổi ý kiến để góp ý cụ thể vào các nội dung về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động

Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Hồng Quang cho rằng, Chương 1 của Dự thảo Luật nên có đề cập quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó những điều khoản sau đều dẫn chiếu theo quy định chung này

Các đại biểu, đại diện doanh nghiệp và người lao động đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về phạm vi điều chỉnh của Luật, việc công khai thông tin tại doanh nghiệp, việc người lao động tham gia ý kiến, người lao động quyết định, người lao động kiểm tra và giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ sẽ khẩn trường tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến phản biện, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu để phục vụ việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Minh Hùng - Nghĩa Đức