PHÁT HUY TỐI ĐA QUYỀN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

28/04/2022

Ngày 27/4, tại thành phố Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Uỷ ban Pháp luật đã họp Phiên toàn thể lần thứ 6 để thấm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tại buổi làm việc, các thành viên Uỷ ban Pháp luật đã cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, các thành viên Uỷ ban Pháp luật bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bởi, dân chủ là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Uỷ ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với tên gọi và bố cục gồm 7 chương và 74 điều của Dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời đề nghị trong mỗi chương cần quy định rõ quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, bàn bạc, quyết định, giám sát, thụ hưởng, các vấn đề phải công khai minh bạch.

Bên cạnh đó, thành viên Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế lại các điều khoản trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định đối với các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể cách thức để người dân “thụ hưởng". Cho rằng việc sử dụng cụm từ "người dân" trong phạm vi thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là phù hợp, tuy nhiên ở cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập là “cán bộ, công chức, viên chức” và ở doanh nghiệp lại là “người lao động”, do đó một số đại biểu đề nghị dự án Luật cần thể hiện đầy đủ, bao quát các đối tượng áp dụng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đó, có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc Luật này có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trong đó có một số nội dung đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật chỉ tập trung quy định về việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nhà nước là các doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Đa số các ý kiến tham gia tại phiên thẩm tra đồng tình với ý kiến thứ nhất.

Trong quá trình thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ các trường hợp cộng đồng dân cư khác nhau cùng quyết định về một vấn đề có tác động, ảnh hưởng chung, nhưng nghị quyết của các cộng đồng dân cư này có sự không thống nhất thì giải quyết như thế nào? Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với doanh nghiệp nhà nước; quy định rõ hơn về hình thức người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp và việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp ở Chương 4 dự án Luật./.

Mỹ Phượng – Lê Quang