SỬA ĐỔI LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

28/08/2021

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm kịp thời tháo gỡ những bất cập hiện nay; tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là quan điểm của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo dưới hình thức trực tuyến

Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tại Nhà Quốc hội vào sáng 28/8. Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số cơ quan của Quốc hội, một số vị ĐBQH; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan, ban ngành có liên quan cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Theo Chương trình xây dựng luật, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhằm kịp thời tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vào quá trình thẩm tra dự án Luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung  vào các năm 2009 và năm 2019) đã tạo lập môi trường pháp lý hữu hiệu nhằm phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với thực tiễn gian qua và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, qua 15 năm thi hành, trước sự vận động, phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế -xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là những cơ hội và thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mang lại, một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ bất cập.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh những bất cập này cần được kịp thời tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực, môi trường thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời thực thi các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Đinh Nhật Quang, Công ty Luật TNHH một thành viên Leadco cho rằng, Luật Sổ hữu trí tuệ ra đời khá muộn, được tách ra từ Bộ Luật Dân sự 1995 và được Quốc hội thông qua vào năm 2005, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2006. Luật Sở hữu trí tuệ mặc dù qua hai lần sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự hội nhập sâu rộng kinh tế nước nhà vào nền kinh tế thế giới thì việc tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với tình hình mới là cần thiết và cấp bách.

Để việc sửa để việc sửa đổi được chuẩn xác, đảm bảo chất lượng, Luật sư Đinh Nhật Quang đề nghị Ban soạn thảo tiến hành rà soát toàn bộ các Hiệp định song phương và đa phương, cũng như các bộ luật để bảo đảm hài hòa và thống nhất giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy phạm pháp luật khác, tránh sự trùng lặp hay xung đột trong áp dụng luật. Luật sư đã đưa ra những kiến nghị hết sức cụ thể đối với các quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ Ngân sách Nhà nước hoặc một phần ngân sách.

Luật sư Đinh Nhật Quang cho rằng, các phương án sửa đổi lần này nhằm thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí vồn từ trước tới nay thuộc quyền đăng ký của Nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành. Bằng việc sửa đổi quy định này, Dự án Luất Sở hữu trí tuệ 2021 mong muốn tạo ra cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học  và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì hoặc tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay cũng như dự thảo các quy định của Dự án Luật Sở hữu trí tuệ 2021 về vấn đề “giao quyền” là chưa rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về “giao quyền” nên trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ có thể có nhiều quan điểm hiểu và vận dụng khác nhau.

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự cho rằng, dự án sửa đổi Luật lần này là dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lớn nhất từ trước tới nay vì có tới 94 điều trong tổng số 222 điều luật được Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi liên quan đến hầu hết các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nhằm tuân thủ cam kết ở hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam mới ký kết. Theo Luật sư Lê Quang Vinh, Luật Sở hữu trí tuệ công nhận và bảo hộ nhiều loại quyền độc quyền khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau với các điều kiện bảo hộ khác nhau. Do vậy, nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa quyền sở hữu trí tuệ với các quyền hiến định khác của công dân và tổ chức như quyền tự do cạnh tranh, quyền tiếp cận thông tin của công chúng, quyền học tập,….cần phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến

Cũng tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm của dự  thảo Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (quy định về quyền tác giả và quyền liên quan; quy định về trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,..; quy định về quyền sở hữu công nghiệp; quy định đối với giống cây trồng;…).  Qua thảo luận, nhiều vấn đề còn vướng mắc trong quy định tại dự thảo đã được chỉ rõ, nhiều phương án, giải pháp cụ thể đã được các đại biểu, các chuyên gia đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương, nghiêm túc Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ” đã diễn ra thành công và hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến do các cơ quan của Quốc hội khóa XV phối hợp tổ chức nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng luật.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, đây sẽ là nguồn thông tin quý báu, bổ ích phục vụ thiết thực cho công tác thẩm tra dự án Luật, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn giúp làm rõ các nội dung đang được đề nghị hoặc cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm tham mưu có hiệu quả để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021)./.

Lê Anh