ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ THẨM TRA CÁC ĐỀ ÁN THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐÔ THỊ VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA 04 TỈNH

07/02/2023

Sáng 07/02, tại Nghệ An, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 12 để thẩm tra các Đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh đơn vị hành chính của 04 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, CẨN TRỌNG – DẤU ẤN LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI NĂM 2022

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 11 THẨM TRA CÁC TỜ TRÌNH, ĐỀ ÁN CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐÔ THỊ CỦA MỘT SỐ TỈNH

Toàn cảnh phiên họp

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh.

Trình bày Tờ trình tóm tắt các Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, Trà Vinh và An Giang, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, Trà Vinh, An Giang và Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có 04 Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; thành lập các phường thuộc thị xã Điện Bàn và thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mê Láng thuộc xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định các đơn vị đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị của 03 tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, An Giang đều có vị trí giao thông thuận lợi, là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện mà đơn vị đó trực thuộc, có lợi thế trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Trong thời gian qua, các đơn vị hành chính của 03 tỉnh nêu trên đều có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm chủ yếu và ngày càng tăng. Căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các đơn vị hành chính nêu trên thì việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường,... trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Kết quả sau khi thành lập đơn vị hành đô thị và điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính: Tỉnh Bến Tre không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 03 thị trấn và giảm 03 xã, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Bến Tre và 08 huyện); 157 đơn vị hành chính cấp xã (139 xã, 08 phường, 10 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 13,33% (tăng 3,43% so với trước khi thành lập 03 thị trấn).

Tỉnh Quảng Nam không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 05 phường và 01 thị trấn, giảm 06 xã; có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 02 thành phố, 01 thị xã và 15 huyện); 241 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 197 xã. 30 phường và 14 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hoa đạt 30,50% (tăng 4,07% so với trước khi thành lập 05 phường và 01 thị trấn).

Các đại biểu dự phiên họp

Tỉnh An Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 01 thị xã giảm 01 huyện, tăng 07 phường, giảm 01 thị trấn và giảm 06 xã; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 02 thành phố, 02 thị xã, 07 huyện); 156 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 110 xã, 28 phường, 18 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,24% (tăng 3,41% so với trước khi thành lập 01 thị xã, 07 phường và 02 thị trấn).

Tỉnh Trà Vinh không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 07 huyện); 106 đơn vị hành chính cấp xã (85 xã, 11 phường và 10 thị trấn).

Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi và rà soát một cách cận trọng, kỹ lưỡng các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đối chiếu với hiện trạng các đơn vị hành chính dự kiến thành lập thị xã, phường và thị trấn về tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, tiêu chuẩn về phân loại đô thị, tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Từ đó, cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; thành lập 05 phường thuộc thị xã Điện Bàn và thành lập thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam và việc điều chỉnh 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh huyện Duyên Hải về xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với các lý do như được nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Các đại biểu ghi nhận hồ sơ các Đề án đã bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 29 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Đề án còn kèm theo dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị và việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã.Về trình tự, thủ tục lập các Đề án, theo các Tờ trình của Chính phủ, các Đề án đã được lấy ý kiến cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý chính quyền địa phương các tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp ưu tiên, tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để nâng cao chất lượng đô thị, đáp ứng các yêu cầu đã được đặt ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, ngày 30/01/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các tỉnh tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và kịp thời ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được thông qua, trong đó chú trọng các nội dung về việc bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị; có phương án bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức và việc chuyển đổi các loại giấy tờ hành chính cho người dân khi có nhu cầu.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật biểu quyết nhất trí về nội dung thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định 

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương có liên quan chủ động cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo nội dung Nghị quyết về thành lập các đơn vị hành chính mới sau khi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú, hạn chế gây phiền hà cho người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ ngay sau phiên họp, các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, có báo cáo bổ sung đối với những nội dung thẩm tra đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, Trà Vinh và An Giang tại phiên họp thường kỳ tháng 02/2023 tới.

Bảo Yến

Các bài viết khác