ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 9: THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO NĂM 2022

28/09/2022

Sáng 28/9, tại Ninh Bình, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần 9 để thẩm tra chính thức các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022

Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022

Cùng dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan hữu quan cùng các Phó Chủ nhiệm và các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 9 để thẩm tra chính thức các báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao năm 2022; báo cáo công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Ủy ban Pháp luật sẽ xem xét thông qua dự thảo báo cáo công tác năm 2022, dự kiến công tác năm 2023 của Ủy ban Pháp luật và thông qua chương trình giám sát năm 2023.

Cũng tại phiên họp này, các thành viên Ủy ban sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là những nội dung đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới.

Nhiều chuyển biến tích cực trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Trước đó, tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu để hoàn thiện báo cáo chính thức để gửi Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, năm 2022, mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải tiếp tục xử lý, những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, ... Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quan tâm, đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp có chuyển biến tích cực, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, phần lớn Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỷ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng so với năm 2021.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo của Chính phủ

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, mặc dù thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do COVID-19 ít hơn nhiều so với năm 2021 nhưng số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước; số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%, tuy nhiên, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%. Nhìn chung, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều, tuy còn một số vụ việc tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương.

Về khiếu nại: So với năm 2021 giảm 7% số đơn và tăng 5,3% số vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ 64,6%, chủ yếu trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng,...; khiếu nại về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có công chiếm 12,6%, trong lĩnh vực tư pháp chiếm 3,5%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Về tố cáo: So với năm 2021 tăng 1,4% số đơn, tăng 0,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước; có trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do không đáp ứng được kỳ vọng. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 81,9%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao báo cáo của Chính phủ năm nay cơ bản đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, phản ánh rõ tình hình, với nhiều số liệu cụ thể; đánh giá khá toàn diện kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó, đề ra một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ đã chú trọng hơn trong việc đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ có liên quan về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Các đại biểu bày tỏ vui mừng trước những chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, cơ bản đạt mức chỉ tiêu phấn đấu đề ra, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với gần 85% các vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền. Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa, những kết quả tích cực như trên cho thấy Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã cầu thị, tiếp thu ý kiến kiến nghị của Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề này trong suốt thời gian qua để tiếp tục phát huy dân chủ, thể hiện sự quan tâm, chú trọng của các cơ quan trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa

Phấn khởi trước những chuyển biến tích cực của tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của năm 2022, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cho rằng có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cơ quan, cùng với đó là hiệu quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021.”, và sự chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác dân nguyện hàng tháng.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia cho rằng có được những số liệu tích cực của năm 2022 một phần từ nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh song phần lớn là nhờ sự nỗ lực của các cấp các ngành, sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương và hiệu quả giám sát của Quốc hội. Đại biểu dẫn chứng từ thực tiễn của Hà Tĩnh, chính nhờ từ việc người đứng đầu các cơ quan, từ Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đến Đoàn đại biểu Quốc hội đều thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời xử lý những vấn đề ngay từ cơ sở. Hơn nữa, việc giải quyết tốt ý kiến, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, cấp dưới đã góp phần giảm đơn thư gửi lên cấp trên, cũng như tình trạng đơn thư kéo dài. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo sự tham gia phối hợp hiệu quả của toàn hệ thống chính trị đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia

Chú trọng xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu theo dõi đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Để nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung thông tin, số liệu, đánh giá rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình hình của năm 2022 và dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới để tập trung các giải pháp, quyết liệt giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế tồn tại nhiều năm. Có ý kiến đề nghị có biện pháp để xử lý những trường hợp lợi dụng quyền công dân để tố cáo không đúng, không chính đáng…Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ nghiên cứu để ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để răn đe, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh

Đa số ý kiến đều nhất trí với việc đề xuất quy định trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV nội dung về tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, giao Chính phủ, các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của các luật có liên quan về vấn đề này để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; rà soát, củng cố cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân; tăng cường năng lực, bảo đảm chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Trong đó, nội dung về xây dựng, kết nối, vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được các đại biểu đặc biệt lưu ý cần quan tâm chú trọng sớm hoàn thiện; đồng thời, cần quy định thống nhất thời hạn báo cáo, số liệu kỳ báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác