XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ: ĐỀ XUẤT 2 PHƯƠNG ÁN

30/09/2021

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung trọng tâm được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ vào chiều 29/9, tại Nhà Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ đề xuất xin ý kiến 2 phương án. Theo đó:

Phương án 1: Biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Phương án 2: Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương 

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nêu rõ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Phương án 1 chưa hợp lý với các lý do sau:

Thứ nhất, Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Biện pháp này có phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Thứ hai, phương án này có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để duy trì trật tự công; đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự.

Thứ ba, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội. Do đó, thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

Thứ tư, việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và sẽ tạo thách thức không nhỏ cho hệ thống tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Cho ý kiến về nội dung này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, đối với phương án 1 theo đề xuất của Chính phủ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, việc thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính tạo ra sự thiếu đồng bộ đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính, phương án này cũng không thực sự hợp lý trong điều kiện thực tiễn tòa án Việt  Nam chưa có tòa án chuyên trách, thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ,…. Mặt khác việc duy trì xử phạt vi phạm hành chính là hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia. Với lý do nêu trên, việc áp dụng ngay phương án 1 là không khả thi. Tuy nhiên, đây là bước tiến đáng kể trong quá trình định hướng chuyển dịch thẩm quyền xử lý tranh chấp từ biện pháp hành chính sang dân sự, nâng cao vị trí vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận với các nước phát triển trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, Thường trực Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường cơ bản nhất trí phương án 1 với điều kiện cần phải có lộ trình rõ ràng trong thực hiện, chỉ khi thành lập được tòa án chuyên trách chuyên sâu về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như có cơ chế xử lý rút gọn đối với những vụ việc đơn giản thì mới có thể áp dụng được hoàn toàn phương án này.

Ủng hộ phương án 2 giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, rà soát các cam kết quốc tế Việt Nam là thành viên cũng không có quy định nào ràng buộc, hạn chế các quốc gia thành viên quy định phạm vi rộng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội. Do đó, thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính là chưa thuyết phục.

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, xét về mặt lâu dài phương án 1 Chính phủ nêu ra có tính hợp lý. Theo Phó Chủ nhiệm, về mặt dài hạn, chỉ nên tập trung vào quản lý nhà nước thông qua các biện pháp tạo ra hành lang pháp lý một cách rõ ràng, minh bạch để cho các bên trong các quan hệ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ. Từ đó, có thể chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa từ xa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và tiến tới nhà nước bớt can thiệp vào quan hệ dân sự để các bên tự giải quyết có thể bằng nhiều con đường khác nhau như: đưa ra kiện trước tòa án, thông qua cơ chế trọng tài thương mại, ….

Ủng hộ phương án 1, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, báo cáo giải trình của Chính phủ khi phân tích về ưu điểm của phương án 1 vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, cần phân tích thấu đáo, thuyết phục hơn. Để phương án 1 đảm bảo tính khả thi, Chính phủ cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng về nội dung này, đồng thời phải có bổ sung lập luận, lý lẽ sắc bén hơn về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt 

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đây là dự án luật lớn, chuyên môn sâu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện dự án luật đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đề xuất bảo lưu tiếp tục trình Quốc hội 2 phương án như Tờ trình. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, tiến hành rà soát kỹ lưỡng, tổ chức đánh giá tác động để báo cáo Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định.

Kết thúc nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Tùng cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tích cực, phiên họp thẩm tra đã hoàn thành nội dung đề ra. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án luật kỹ lưỡng, công phu của Chính phủ; nhiều vẫn đề đã được ban soạn thời kịp thời tiếp thu, hoàn thiện sau phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đại biểu, tiếp tục làm rõ các lập luận đối với các phương án đề xuất. Đồng thời, cần rà soát kỹ các luật chuyên ngành có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo tính tương thích của dự thảo Luật với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Lê Anh