HÌNH ẢNH UỶ BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NĂM 2021

06/09/2021

Chiều ngày 06/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp.

 

Tham dự Phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm và các thành viên của Ủy ban Pháp luật; Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cùng đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.

Tại Phiên họp, đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ ngành đã cho ý kiến đối với Báo cáo Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Chính phủ cũng như đưa ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng các địa phương cần có sự lựa chọn cán bộ tiếp công dân đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật; có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật khi có vụ việc muốn giải quyết, gửi đơn thư lên các cơ quan chức năng.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Tại Phiên họp, đề cập công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu rõ, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là góp phần phục vụ thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đã áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an toàn cho cán bộ, công chức và công dân. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng hình thức làm việc trực tuyến để bảo đảm tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo

Báo cáo ý kiến nghiên cứu phục vụ thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhấn mạnh, báo cáo chưa phân tích, làm nổi được tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 có những điểm gì khác biệt so với năm 2020 và các năm trước. Một số đánh giá, nhận định về những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, bất cập trong các báo trước đây vẫn được lặp lại, nhưng chưa làm rõ được những tồn tại, hạn chế, bất cập này đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khắc phục ở mức độ nào, kết quả đến đâu, lý do tại sao không khắc phục được

Tại Phiên họp, đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ ngành đã cho ý kiến đối với Báo cáo Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Chính phủ cũng như đưa ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Phiên họp

Để giải quyết tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, một số đại biểu cho rằng các địa phương cần có sự lựa chọn cán bộ tiếp công dân đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật; có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật khi có vụ việc muốn giải quyết, gửi đơn thư lên các cơ quan chức năng

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, tiếp công dân là công việc khó nên đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân phải thực sự khéo léo để giải thích cho người dân những vấn đề liên quan trực tiếp đến các vụ việc. Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng cho rằng cần nâng cao trình độ nhận thức, trách nhiệm của người tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, công tác tiếp công dân vẫn còn chưa được chú trọng nên cần tăng cường nâng cao trình độ, kỹ năng đối với cán bộ tiếp công dân nhằm hạn chế các vụ việc mới phát sinh, phức tạp, kéo dài...Để giám sát công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng cần công khai kết quả giải quyết thông qua các phần mềm ứng dụng để các cơ quan, người dân cập nhật, theo dõi

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, Bộ ngành đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021. Nhìn chung, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thông qua các báo cáo cho thấy, đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2021 đều giảm so với năm 2020, điều này cho thấy sự nỗ lực của các Bộ ngành, cơ quan đối với công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đề nghị các Bộ, ngành và các cơ quan cần phân tích, đánh giá sâu hơn về thực trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như báo cáo về việc giải quyết công việc này; đồng thời yêu cầu Thường trực Ủy ban Pháp luật rà soát lại báo cáo thẩm tra sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sắp tới

Minh Thành