THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NĂM 2020

07/09/2020

Chiều ngày 07/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.

Tham dự phiên họp còn có Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tình hình khiếu nại tố cáo có chiều hướng giảm

Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020

Báo cáo tóm tắt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2020, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo đảm bảo thông suốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh đối với công dân và lực lượng cán bộ tiếp công dân.

So với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 04%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là góp phần phục vụ thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phục hồi nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều tiến bộ, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng truyền hình trực tuyến, nhất là trong thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, và giúp các cơ quan thuận tiện trong quản lý, theo dõi, thống kê, tổng hợp báo cáo.

Việc tiếp dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực. Nhiều lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; một số địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế đối thoại của người đứng đầu.

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày báo cáo tóm tắt tại phiên họp

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chất lượng giải quyết tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương đã có cách làm mới, dân chủ với sự tham gia của đại diện các Ban của Đảng, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã giải quyết đúng pháp luật, có lý có tình, dứt điểm nhiều vụ việc ngay từ cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 87,5%, cao hơn mục tiêu đề ra (85%). Tỷ lệ thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (khiếu nại đạt 99,2%, tố cáo đạt 97,5%) hơn mục tiêu đề ra (90%) và cao hơn nhiều so với năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đánh giá đúng tình hình để có giải pháp phù hợp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình khiếu nại tố cáo 2020 trong bối cảnh là năm có nhiều sự kiện quan trọng, tiến tới đại hội đảng các cấp dẫn đến tố cáo tăng nhiều, nguyên nhân của tình hình, đánh giá công tác tiếp công dân, số lượt công dân đến cơ quan hành chính giảm về số lượng, đặc biệt là số đoàn đông người giảm mạnh, lý giải nguyên nhân của tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, đánh giá tình hình năm 2021 và đề ra nhiệm vụ giải pháp, kiến nghị.

Các đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ năm 2020 cơ bản đã phản ánh được một cách khái quát về tình hình khiếu nại, tố cáo, thể hiện được sự tích cực đổi mới, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn được bảo đảm thông suốt, bảo đảm an toàn sức khoẻ của người dân cũng như đội ngũ cán bộ, người làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu về Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020

Các đại biểu cũng ghi nhận tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua có nhiều chuyển biến tốt hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, chưa phân tách được số liệu vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong; đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người…để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp.

Trong năm 2020, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm (khiếu nại giảm 15,5%; tố cáo giảm 0,8%). Các đại biểu cho rằng đây là những con số đáng vui mừng và cần được phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để từ đó rút ra được kinh nghiệm trong quản lý, điều hành cho các năm tiếp theo; đồng thời nhận diện rõ những giải pháp, biện pháp đã thực hiện lâu dài nhưng không mang lại hiệu quả, chưa phù hợp để kiến nghị điều chỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung, làm rõ hơn về số liệu kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; công tác tiếp công dân; việc giải quyết đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến. Chính phủ cũng cần đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp gắn với mục tiêu cụ thể hơn để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cáo nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Ghi nhận các kết quả tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến các đại biểu góp ý tại phiên họp để tiếp tục làm rõ nhiều nội của báo cáo như làm rõ tình hình, số liệu, xu hướng, chỉ rõ địa chỉ thực hiện tốt và chưa tốt, nêu bật tình hình và nguyên nhân của năm 2020, đề xuất các giải pháp đột phá, sát với tình hình thực tiễn.

Trên cơ sở thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 48 tới./.

Bảo Yến