ỦY BAN KINH TẾ TỌA ĐÀM THAM VẤN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050

14/12/2022

Chiều 14/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quy định trong Luật Quy hoạch, bám sát chức năng của quy hoạch tổng thể, bài học kinh nghiệm quốc tế, thực trạng phát triển và tầm nhìn mới của đất nước. Dự thảo có kết cấu khá phù hợp, đề cập đến các vấn đề quốc gia mang tầm chiến lược, các định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển tương ứng, trong đó có không gian biển. Đồng thời, đã chú trọng đến việc cụ thể hóa các chính sách, chiến lược và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước dựa trên cách tiếp cận không gian. Vì thế, vấn đề liên kết vùng và quản lý không gian lãnh thổ được vận dụng, bao gồm cả không gian đất liền, không gian biển đảo, vùng trời; phân bổ không gian cho các ngành/lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước; không gian đô thị và nông thôn; không gian cho bảo tồn và phát triển để bảo đảm sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, và biến đổi khí hậu…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ rõ, dự thảo Quy hoạch mới tập hợp nhu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực... mà chưa có luận cứ để nhận diện và làm rõ các vấn đề nổi bật, vấn đề mới, lợi thế vượt trội của Việt Nam trong thời kỳ đến năm 2030. Phần cơ sở pháp lý cho một Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu khá ngắn gọn, nhưng chưa đủ và chưa làm rõ các căn cứ pháp lý ở cấp độ nào thì cần được cụ thể hóa, thể chế hóa vào trong nội dung nhiệm vụ của quy hoạch tổng thể; chưa làm rõ “tính tương thích” của các mảng không gian phát triển khác nhau do thiếu hẳn các “phân tích mâu thuẫn lợi ích/xung đột không gian” trong hiện trạng sử dụng không gian hiện nay…

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xây dựng quan điểm tiếp cận hướng biển, sông ngòi và tiếp cận lục địa vì Việt Nam thuộc bán đảo có mặt tiền hướng biển rất dài hàng nghìn km với nhiều lợi thế cạnh tranh cả về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan sinh thái biển cũng như lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế nông nghiệp mạnh. Do đó, tư duy hướng biển cần được đặt ra thật rõ ràng và cụ thể; kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp cần được phát triển như một lợi thế cạnh tranh cho đất nước.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng, nhưng cần được tích hợp để hệ thống giao thông quốc gia tạo lợi ích kép và phát huy vai trò “đột phá” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước quy hoạch tổng thể quốc gia, bao gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng hàng không và sân bay quốc tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Do đó, dự thảo Quy hoạch tổng thể cần chú trọng đến liên kết hệ thống quy hoạch giao thông quốc gia với các ngành khác và các không gian vùng cấp tỉnh liên quan.

Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ rõ, khi các nguồn lực tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, thì nguồn lực con người cùng với khoa học - công nghệ, nền tảng văn hóa sẽ đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển, sức cạnh tranh và thực hiện tự chủ chiến lược của quốc gia. Chính các nguồn lực tự nhiên, như vị trí địa lý, đất đai, nước, khoáng sản... được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hay không đều tùy thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực, thể chế, ứng dụng khoa học - công nghệ và nền tảng văn hóa; các nguồn lực vốn, lao động sử dụng như thế nào đều do thể chế và con người, văn hóa quyết định. Hay nói cách khác, văn hóa là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển hưng thịnh quốc gia.

Nguyên Viện trưởng Viện chính sách công nghiệp, Bộ Công thương Dương Đình Giám phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, làm cơ sở để Ủy ban hoàn thiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Ủy ban sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, cùng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, phản biện nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tham vấn ý kiến giúp Ủy ban trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)