ĐOÀN CÔNG TÁC ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH NINH THUẬN

16/03/2022

Ngày 15/3, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.


Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận; Phan Tấn Cảnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành.

Sau khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; chủ động, kịp thời nắm bắt thời cơ, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ. Cơ chế, chính sách Nghị quyết số 115/NQ-CP đã tạo cú hích, biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược; tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm. Trong 3 năm 2019-2021, tỉnh thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (2019 đạt 13,9%, 2020 đạt 10,02%, 2021 đạt 9% đứng thứ tư cả nước) góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; thu ngân sách về đích trước ba năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, tạo tiền đề hướng đến mục tiêu tự chủ ngân sách.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: P.Bình

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Việc triển khai Nghị quyết 115 của Chính phủ còn chậm, đến nay trong nghị quyết chỉ thực hiện được một số nội dung và còn nhiều vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi ban hành Nghị quyết 115, đã giúp cho tỉnh từ năm 2019-2021, đạt được tốc độ tăng trưởng nằm trong top đầu của cả nước. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng bước đầu thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ đã phát huy được hiệu quả, qua đó, khẳng định các định hướng, chiến lược phát triển các nhóm ngành trụ cột là đúng đắn, phù hợp với xu thế, sát với tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhất là tiềm năng, lợi thế mới về năng lượng tái tạo, biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến và hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận có báo cáo bổ sung dựa trên các ý kiến thảo luận của các thành viên trong đoàn về những vấn đề đã đặt ra và đề suất các hướng mới, xác thực hơn. Đồng chí mong muốn tỉnh và các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt việc sơ kết thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 trong thời gian sắp tới.

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khảo sát tại Cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: P.B

* Trước đó, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đi khảo sát thực tế địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (Thuận Nam); khảo sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); khảo sát thực tế địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (Thuận Nam); Cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam); khảo sát các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam.

(Theo Báo điện tử Ninh Thuận)