Ủy ban Kinh tế đã chủ trì thẩm tra bốn dự án Luật trong số 18 dự án Luật được Quốc hội thông qua, một dự thảo Nghị quyết và tham gia thẩm tra, cho ý kiến về nhiều dự án Luật đang trong quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Đây đều là các dự án Luật quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong năm 2017 – năm đạt mức tăng trường GDP 6,81% với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt. Bên cạnh đó, các chuyên đề giám sát mà Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện cũng đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cử tri và nhân dân cả nước.
Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng các dự án Luật
Trong năm qua, các dự án Luật như: Luật Quy hoạch, Luật Cạnh tranh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đơn vị hành chính- kinh tế… đặc biệt có ý nghĩa, tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Để đảm bảo chất lượng dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cùng các thành viên Ủy ban đã có sự nỗ lực vượt bậc, đóng vai trò quan trọng.
Nhìn lại những kết quả mà Ủy ban Kinh tế đã thực hiện trong năm 2017, chia sẻ quá trình nỗ lực để Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: "Chưa dự án Luật nào lại nhận được nhiều ý kiến khác nhau mang tính phản biện cao như dự án Luật Quy hoạch. Gần 2 năm kể từ khi trình sang Quốc hội, không ít lần, các cơ quan liên quan đề xuất rút dự án Luật ra khỏi chương trình lập pháp. Tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án luật này. Tuy nhiên, chính từ những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã quyết định lùi thêm một Kỳ họp nữa để chuẩn bị kỹ hơn, bảo đảm tính khả thi của Luật. Qua rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo và thảo luận kỹ lưỡng tại nghị trường Quốc hội qua ba kỳ họp, Luật Quy hoạch đã được thông qua tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ phiếu hơn cả mong đợi, tạo tư duy mới trong cách làm và đạt sự thống nhất trong quy hoạch".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ: “Tôi cũng mong muốn trong thời gian tới, Luật Quy hoạch sẽ tạo ra sự thống nhất hơn và đảm bảo tính khả thi, để khi Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, các cơ quan, các địa phương hoàn thành sửa đổi Luật có liên quan, hoàn thành hệ thống quy hoạch ở Việt Nam một cách đồng bộ, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030".
Nếu như Luật Quy hoạch được đánh giá tạo ra bước đột phá trong quản lý nhà nước về quy hoạch thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được coi là có ý nghĩa then chốt trong tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của ngành ngân hàng.
Phát biểu trong Hội nghị tổng kết của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng đã tạo nền tảng và động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, nhờ đó ngay đầu năm lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Trong cuộc làm việc với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 42 được thông qua đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
“Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Chính phủ đã trình để Quốc hội thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng, kết họp đồng bộ với việc trình Đề án cơ cấu lại ngành ngân hàng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã quyết tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý, pháp quy để điều chỉnh hoạt động hệ thống ngân hàng an toàn, minh bạch, ổn định và lành mạnh hơn. Đồng thời, nỗ lực, quyết tâm để có khuôn khổ pháp lý xử lý những vấn đề tồn tại trong công tác thu hồi nợ và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, có được Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu là bước chuyển cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của ngành ngân hàng tốt hơn, đạt kết quả cao hơn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nêu rõ.
Ngoài ra, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy rằng, dự án Luật Cạnh tranh cần được sửa đổi một cách toàn diện. Vì vậy, để nâng cao chất lượng thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đi khảo sát nghiên cứu kinh nghiệm về quản lý, chính sách, pháp luật về cạnh tranh/chống độc quyền. Đây vừa là cơ sở để Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình xây dựng pháp luật
Nhìn nhận về công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng pháp luật thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Trong quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh và Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì soạn thảo đã có nhiều điều kiện thuận lợi và bảo đảm chất lượng dự án luật chính là nhờ sự vào cuộc ngay từ đầu, đầy đủ, toàn diện và sâu rộng của các cơ quan của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội trong từng kỳ thảo luận và đến khi bỏ phiếu”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, các thành viên Ủy ban đều xác định đồng hành với Chính phủ để giải quyết những vấn đề đặt ra. Trong quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh và Luật Quản lý phát triển công nghệ, Ủy ban đã cùng với cơ quan soạn thảo xem xét những vấn đề trước khi Bộ Tư pháp thẩm định để đảm bảo chất lượng của các dự án luật.
Trong quá trình giúp Quốc hội thẩm tra hai dự án quan trọng có ý nghĩa đối với sự phát triển đất nước là việc cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía đông giai đoạn 2017-2020, các thành viên của Ủy ban Kinh tế vẫn ý thức đó là trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân và mong muốn Chính phủ sẽ triển khai theo đúng tinh thần của Quốc hội để các công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Giám sát chỉ ra được vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ
Cũng trong năm 2017, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng kinh doanh hình thức theo hình thức BOT do Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cử tri và nhân dân cả nước. Với cách làm sáng tạo, bài bản và khoa học, báo cáo giám sát đã chỉ ra những cách làm sáng tạo và những tồn tại, hạn chế cũng như hướng khắc phục để đưa việc thực hiện BOT đi đúng hướng., qua đó khẳng định các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội luôn trúng và đúng, đặt ra những vấn đề nội cộm mang hơi thở cuộc sống và được cử tri quan tâm.
Quá trình giám sát được thực hiện trên diện rộng, đặc biệt là những địa phương để xảy ra nhiều vấn đề xung quanh các dự án BOT. Từ đó, báo cáo giám sát đã chỉ rõ những bất cập trong thực hiện đầu tư các dự án BOT hiện nay và đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu Chính phủ và Bộ Giao thông- Vận tải và các đơn vị có liên quan quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng việc thực hiện hình thức đối tác công tư không thể được điều chỉnh bởi một Nghị định của Chính phủ, đã đến lúc cần ban hành một luật về hình thức đối tác công tư để giải quyết được các vấn đề đăt ra, thậm chí huy động cả nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, vì hiện nay thì các nhà đầu tư nước ngoài chưa tham gia vào hình thức BOT.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: “Chính phủ sẽ quyết định và thực hiện đồng bộ tám nhóm giải pháp đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu 08 nhóm Giải pháp đã đề ra được thực hiện một cách đồng bộ quyết liệt thì sẽ giải quyết được các vấn đề hiện nay. Với nhiệm vụ được Quốc hội giao, trong quá trình hậu giám sát, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục theo dõi về việc quản lý triển khai thực hiện và có thể có thể có phát sinh thì kịp thời báo cáo lãnh đạo Quốc hội để có hướng xử lý tiếp theo”.
Nỗ lực góp phần hoàn thiện thế chế, thúc đẩy phát triển nền kinh tế
Nhìn lại những hoạt động của Ủy ban Kinh tế trong năm qua, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh cho hay: “Trong thời gian qua, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra nhiểu luật quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết về xử lý nợ xấu, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Luật Cạnh tranh và Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, Ủy ban Kinh tế đã làm việc hết sức để đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như hệ thống pháp luật của đất nước”.
Tâm đắc với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương về triển khai nhiệm vụ năm 2018: Đó là không được chủ quan với những thành tích thắng lợi trong công tác điều hành kinh tế xã hội năm 2017, phải nhìn nhận một cách khách quan và hành động một cách quyết liệt và thực chất thì chúng ta sẽ khơi dậy được và tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội của chúng ta trong năm 2018 và trong những năm tiếp theo. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ, với khối lượng công việc lớn, phức tạp của Ủy ban đã giải quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và người dân đánh giá cao nhưng tập thể Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban cũng như Vụ Kinh tế vẫn chưa thể hài lòng hoàn toàn, mà vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để góp phần thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta phát triển. Từ đó, Ủy ban xác định, trong thời gian tới, những vấn đề về năng suất lao động, cơ cấu lại nền kinh tế hiệu lực hiệu quả cần tiếp tục giám sát, cùng các cơ quan của Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ để giải quyết những vấn đề còn yếu kém, tồn tại để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngay từ những ngày đầu năm, Ủy ban Kinh tế đã tích cực tham gia chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”, Ủy ban đã tiến hành nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp để tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa thoái vốn.
Theo chương trình, năm 2018, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục thẩm tra Luật Cạnh tranh và Luật Dự án phát triển đô thị. Lựa chọn việc kiên trì hoàn thiện nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ để thông qua các dự án luật ở cơ quan của Quốc hội là lựa chọn vất vả và khó khăn hơn nhiều so với việc trả lại cơ quan soạn thảo. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã vượt qua nhiều khó khăn về khối lượng công việc, về thời gian... Các thành viên Ủy ban Kinh tế luôn ý thức phải làm tốt hơn nữa, thực chất hơn nữa, tạo ra sự chuyển động rõ ràng hơn, mạnh mẽ đáp ứng đòi hỏi cấp bách đối với sự phát triển bền vững của đất nước./.