Toàn cảnh phiên họp
Theo quy định tại Luật đầu tư công năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tuy nhiên theo Nghị quyết 94/2015 của Quốc hội khóa XIII về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành quy định “Chính phủ chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từng giai đoạn của Dự án báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi”. Cụ thể:
- Hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn
- Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha.
- Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
- Bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối: Tuyến số 01 (dài 3,8 km) kết nối trục chính Cảng với Quốc lộ 51; Tuyến số 02 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Đề nghị Chính phủ báo cáo căn cứ chỉ định thầu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án
Cho ý kiến về hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhiều đại biểu tán thành với phương thức huy động vốn thực hiện 04 hạng mục và công trình phụ trợ.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng trong Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ đơn vị tư vấn là tổ chức nào, chứ không phải là liên danh nhà thầu, bởi theo quy định, liên danh các nhà thầu chỉ hình thành lập sau khi lựa chọn một đơn vị tư vấn cụ thể.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu tại Phiên họp
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng nêu rõ, về hình thức đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu nhưng Báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất phương án chỉ định thầu và giao Tổng Công ty Cảng hàng không ACV, vì vậy Chính phủ cần phải làm rõ các căn cứ, nguyên tắc khi tiến hành chỉ định thầu đối với dự án này. Nghị quyết số 01/2019 của Chính phủ đã nêu rõ “đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu”, tuy nhiên trong cả 04 hạng mục của Dự án đều đề cập hình thức đầu tư là chỉ định thầu. Đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình rõ, trước khi trình Quốc hội xem xét cơ chế chỉ định thầu.
Đồng tình với Báo cáo Chính phủ đề xuất phương án chỉ định thầu nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng khi giải trình trước Quốc hội, Chính phủ làm rõ lý do, nguyên tắc, cơ chế chỉ định thầu, năng lực và khả năng phân bổ nguồn lực của nhà thầu.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Giải đáp băn khoăn về đề xuất phương án chỉ định thầu của Chính phủ đối với dự án này có đúng quy định hay không, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh, theo quy định, Dự án này phải áp dụng phương thức đấu thầu nhưng Chính phủ đề xuất phương án chỉ định thầu thì cần làm rõ nguyên tắc chỉ định thầu và Quốc hội cũng chỉ quyết định về cơ chế chỉ định thầu, chứ không tiến hành chỉ định thầu đối với một đơn vị cụ thể như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đã nêu sẽ không làm tăng trần nợ công nếu sử dụng vốn ODA, nhưng đây là Dự án thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ, phải đưa vào nợ công, vì vậy đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ phải giải trình rõ vấn đề này.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh yêu cầu khi tính toán tổng mức đầu tư dự án, cần bám sát các quy định trong Nghị quyết 94 của Quốc hội, trong đó nhà nước bố trí nguồn vốn, nhưng khi thực hiện trên thực tế có khả năng tăng cao hơn dự kiến. Ngoài ra, trong báo cáo, Chính phủ chưa phân tích rõ những tác động của nguồn vốn ODA ảnh hưởng như thế nào đến nợ công, những ràng buộc của các bên tài trợ và Chính phủ có phải bảo lãnh đối với nguồn vốn này hay không?
Nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp bách xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chuyên gia Đặng Huy Đông cho rằng, cần nhìn nhận rõ thế mạnh khi xây dựng dự án. Dự án có thành công hay không do tư tưởng phát triển, do tầm nhìn và thiết kế sân bay, trong đó tận dụng tốt ưu thế là địa điểm lên xuống thuận lợi như về lao động và lợi thế kết nối với các quốc gia. Để làm được điều này cần xây dựng quy hoạch kết nối đồng bộ giữa sân bay với Thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống đường sắt cao tốc như một số sân bay trên thế giới đã triển khai. Tuy nhiên, xây dựng được hệ thống đồng bộ cần nguồn vốn rất lớn, huy động từ nhiều nguồn... và doanh nghiệp nhà nước cần làm chủ đầu tư đối với những hạng mục quan trọng, thiết yếu; đồng thời có cơ chế để huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không phát biểu tại Phiên họp
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, theo khuyến cáo của các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, một cảng hàng không quan trọng cấp quốc gia cần được đầu tư, vận hành và khai thác theo cơ chế "Một cảng hàng không - Một nhà khai thác", việc doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư dự án thì Chính phủ vẫn có thể quản lý, điều hành, ưu tiên các lợi ích về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, không đơn thuần là hoạt động thương mại thuần túy.
Làm rõ tổng mức đầu tư khi bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã đề xuất bổ sung 02 tuyến giao thông kết nối Cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.
Trong đó: Tuyến số 01 (dài 3,8 km) kết nối trục chính Cảng với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh. Tuyến số 02 (dài (3,5 km), kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Báo cáo nghiên cứu khả thi nêu rõ, do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khia thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời tuyến số 01 sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của Dự án nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam trực tiếp đầu tư. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng và diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ nêu rõ việc bổ sung hai tuyến đường có làm tăng diện tích quy hoạch tổng thể dự án đã được Quốc hội phê duyệt; việc tăng hơn 4 nghìn tỷ đồng có làm tăng tổng mức đầu tư và diện tích đất đã được Quốc hội phê duyệt khi bổ sung 2 tuyến đường này. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung tổng mức đầu tư khi phát sinh diện tích đất sử dụng và bổ sung 2 tuyến đường kết nối với Cảng, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đề nghị làm rõ tác động của việc bổ sung 02 tuyến đường kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành như thế nào.
Đồng tình với đề xuất bổ sung 02 tuyến đường kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng nếu không bổ sung thêm tuyến số 1 và số 2 sẽ không làm được đường phục vụ thi công, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, sau khi hoàn thành 2 tuyến đường này sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý?
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Báo cáo nêu rõ việc bổ sung 2 tuyến đường sẽ thu hồi loại đất gì, bao hiêu hộ dân? Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nêu ý kiến, trong quá trình hoàn thiện dự án việc điều chỉnh là không thể tránh khỏi, nhưng Chính phủ cũng cần làm sáng tỏ việc điều chỉnh đó nhằm mục tiêu gì, đánh giá tác động của việc bổ sung 02 tuyến đường kết nối với Cảng như thế nào?
Cơ quan nào quản lý phần đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng?
Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã nêu: Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha; điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về diện tích đất dùng chung quốc phòng và dân dụng do Chính phủ nêu ra trong báo cáo. Đại biểu đặt câu hỏi, 480 ha phần đất sử dụng chung quốc phòng và dân dụng sẽ phân chia như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý và vận hành?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang khẳng định, trong Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về đất dùng chung giữa Quốc phòng và dân dụng. Vì vậy, khi triển khai Chính phủ cần làm rõ các căn cứ cũng như phương án sử dụng như thế nào để Quốc hội cho ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha có làm tăng nguồn vốn đầu tư và có ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái địn cư tại Dự án
Thông tin về tình tình giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai Dự án, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết, cuối năm 2017 Quốc hội thông qua Nghị quyết giao tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư giải phóng 5.000 ha phục vụ Dự án. Hiện địa phương này đã hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính tại 6 xã; thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh và cấp huyện; dự kiến cuối năm 2019 sẽ khởi công hạ tầng khu tái định cư. Tỉnh Đồng Nai cam kết cuối năm 2020 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai giai đoạn 1 của Dự án. Đối với việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối, dự kiến có 321 hộ dân trong diện thu hồi, tỉnh cũng có phương án ưu tiên giải phóng mặt bằng, để làm đường phục vụ thi công dự án.
Giải trình về những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đây là dự án rất cấp thiết, bởi Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giảm tải đáng kể cho Sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay lân cận.
Về nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không ACV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã báo cáo Chính phủ, theo đó, tài chính của ACV tương đối tốt. Hiện các kế hoạch mà ACV trình Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước xem xét giám sát chặt chẽ về khả năng đáp ứng vốn. Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải sẽ có báo cáo cụ thể, chi tiết về tiến độ, phương án tài chính, các giai đoạn triển khai dự án đến Quốc hội giám sát.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Đối với việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải hiện đã bổ sung 2 dự án này vào giai đoạn đầu tư công trung hạn, vì hai tuyến đường này nằm ngoài phạm vi 5.000 ha Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Khi Quốc hội thông qua chủ trương thì Chính phủ sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư công và tiến hành các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng. Vì công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến tái định cư. Do vậy, khi được Quốc hội thông qua, dự kiến 2021 sẽ triển khai và hoàn thành trước khi khởi công Dự án.
Về hình thức đầu tư, hiện nay ACV là đơn vị với gần 100% vốn nhà nước, được giao đầu tư 21 sân bay, thực tế chỉ có 8 sân bay mà ACV có nguồn thu, còn các sân bay còn lại làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong 8 sân bay quốc tế có lãi phải bù cho các sân bay thực hiện nhiệm vụ an ninh, chính trị. Vì vậy, nếu được giao ACV sẽ điều hành dự án này và nguồn thu từ dự án này sẽ hỗ trợ ACV điều hành các sân bay khác tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, những ý kiến tại Phiên họp sẽ được tiếp thu nghiêm túc, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 13
Phát biểu bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 13, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua 15 ý kiến của đại biểu tham dự Phiên thảo luận đã cung cấp nhiều thông tin giúp Ủy ban Kinh tế hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp sẽ giúp việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế thuận lợi hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi cần tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh sửa, bổ sung trình Ủy ban Thường vụ trong Phiên họp 38.
Liên quan đến bổ sung 02 tuyến đường, Chính phủ cần làm rõ hơn phương án thu hồi đất, giải phóng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tạo điều kiện cho tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Đối với việc sử dụng chung diện tích đất quốc phòng với đất dân dụng, các ý kiến tại Phiên họp quan tâm nhiều tới cơ chế quản lý diện tích sử dụng chung như thế nào, đề nghị Chính phủ làm rõ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề liên kết giao thông kết nối giữa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với các địa phương lân cận, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, hạn chế tình trạng ùn tắc xảy ra khi dự án đưa vào sử dụng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nhiều đại biểu cho rằng, với tầm quan trọng, đặc biệt đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng an ninh, nhiều ý kiến ủng hộ tiến hành chỉ định thầu, tuy nhiên Chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù và Chính phủ phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng, tiến độ của Dự án. Đối với phương án giải phóng mặt bằng, Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, tránh đội vốn và kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án./.