ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA TỜ TRÌNH VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 VÙNG THỦ ĐÔ VÀ VÀNH ĐAI 3 TP.HỒ CHÍ MINH

28/04/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều 28/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra chủ trương quan trọng tập trung nguồn lực triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, công trình hiện đại, tập trung cho nhóm hạ tầng giao thông và nhóm hạ tầng đô thị. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 5000km đường cao tốc kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không…Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giải đoạn 2021-2025, bố trí nguồn lực cho các công trình quan trọng quốc gia, trong đó, đặt ra yêu cầu chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và hoàn thành dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030. Theo đó, vùng Thủ đô có 7 tuyến đường vành đai và dự án đường Vành đại 4 lần này là một trong số đó. Theo quy hoạch đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 103km, quy mô 6 làn xe, có điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai và điểm cuối là cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh dài 91,64km, quy mô 8 làn xe, tiến độ phấn đấu hoàn thành trước 2030, có điểm đầu là Nhơn Trạch (Đồng Nai) và điểm cuối là Bến Lức (Long An).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Trên cơ sở chủ trương, định hướng, quy hoạch mạng lưới đường bộ, Chính phủ đã có Tờ trình về hai dự án đường vành đai này. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 5 tới. Nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3. 

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về hai dự án. Các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án theo quy định của pháp luật, về sự cần thiết, tính cấp thiết đầu tư dự án, làm rõ sự phù hợp của dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan. Các đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi quy mô đầu tư phương án thiết kế sơ bộ các dự án, phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ. Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ đề nghị đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe tốc độ hạn chế thiết kế 80km/h, các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80km/h, các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Các dự án có nhiều nút giao và nhiều đoạn đi trên cao khiến tổng mức đầu tư rất lớn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế. Vấn đề đặt ra là có nên đầu tư phân kỳ đối với một số đoạn có lưu lượng xe lớn và tính toán phương án nút giao, đoạn đi trên cao. Thiết kế đường song hành cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm đề nghị có báo cáo làm rõ.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp

Có ý kiến đề nghị làm rõ sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn có bảo đảm yêu cầu. Về phương án đầu tư, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đề xuất đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh thực hiện đầu tư công. Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho thực hiện dự án như Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, sử dụng giải ngân linh hoạt giữa các nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho các hạng mục dự án…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư, nhấn mạnh hai dự án này có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối các vùng động lực của đất nước. Các yêu cầu về đầu tư công trung hạn đã xác định tập trung các dự án quan trọng quốc gia có tính lan tỏa tác động phát triển kinh tế vùng trong đó có 2 dự án này.

Quan tâm đề nguồn vốn thực hiện dự án Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có cơ cấu vốn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nơi dự án đi qua. Tuy nhiên đối với vốn địa phương, bước đầu mới có cam kết của Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh có dự án đi qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị rà soát Thường trực Hội đồng nhân dân cam kết vốn trên cơ sở nào, từ nguồn tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi hay nguồn đi vay, nhấn mạnh nội dung này cần phải rõ để bảo đảm khả thi trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên họp

Về phương án huy động vốn, Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ sau đó cho vay lại địa phương.  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết hiện nay trong quản lý vốn trong nước theo cơ chế quản lý nợ công, quá trình thực hiện Luật Ngân sách, nhu cầu địa phương thì các địa phương có đủ cơ sở pháp lý phát hành trái phiếu địa phương để thực hiện dự án của mình. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xem xét cân cân nhắc thêm áp dụng phương án này góp phần xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp.

Cho rằng dự án Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô có tính tương đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đặt vấn đề tại sao không thực hiện đầu tư phương thức theo hình thức PPP vừa bảo đảm huy động vốn trung hạn vừa thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Do đó, Chính phủ cũng cần báo cáo giải trình rõ về đề xuất hình thức đầu tư các dự án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị quan tâm đến nhu cầu vật liệu xây dựng là rất lớn trong thời gian tới, bởi thực tế hiện nay một số dự án công trình trọng điểm quốc gia cũng đang khó khăn về vật liệu dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu đều ủng hộ sự cần thiết chủ trương đầu tư hai dự án đường vành đai này và cho rằng lẽ ra có thể được tiến hành sớm hơn. Qua trao đổi tại phiên họp một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ hơn như phạm vi, quy mô, thiết kế sơ bộ phân kỳ theo chiều dọc hay chiều nganh bảo đảm yêu cầu kết nối thông suốt kết nối; trách nhiệm thực hiện và nguồn vốn bố trí đối với đường song hành; các nút giao; khai thác quỹ đất; sơ bộ tổng mức đầu tư, cam kết bố trí vốn của các địa phương; giải phóng mặt bằng; hình thức đầu tư; phân chia dự án thành phần; cơ chế chính sách đặc thù trong thực hiện dự án; khai thác khoáng sản...để tăng tính thuyết phục của dự án. 

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn gợi ý nội dung thảo luận

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải Tống Trần Tùng 

Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội ủng hộ dự án

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác