ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2020

26/06/2021

Ngày 25/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp thẩm tra chính thức Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách 

Trước đó, tại phiên họp thứ 56, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu bổ sung nhiều số liệu cụ thể để phản ảnh rõ hơn tình hình tiết kiệm và lãng phí năm 2020.

Cho ý kiến thẩm tra chính thức, các đại biểu cho rằng Chính phủ đã chỉ ra được các địa phương thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên và cần biểu dương, khen thưởng. Tuy nhiên, chưa phân tích, đánh giá rõ bộ, ngành, địa phương nào đã để dành nguồn lực tiết kiệm để phục vụ cho phòng, chống dịch, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cao và các địa phương thực hiện chưa tốt cần nghiêm khắc phê bình, kỷ luật.

Cùng với đó, nhiều nội dung yêu cầu bổ sung, làm rõ theo kết luận phiên họp thứ 56 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa được Chính phủ báo cáo, làm rõ, cụ thể.  Báo cáo của Chính phủ chưa có kết quả cụ thể đã tiết kiệm hoặc kết quả thực hiện so với chỉ tiêu trong Quyết định 166/QĐ-TTg ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãnh phí năm 2020 của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực tín dụng nhà nước; tài chính công, tài sản công, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hành có cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm thời gian lao động của cán bộ, công chức; lĩnh vực tài nguyên - đất đai - khoáng sản - bảo vệ môi trường; lĩnh vực tư liên quan đến hộ kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân - xã hội;

Chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay trong công tác quy hoạch, đầu tư (bao gồm cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân, hoạt động xây dựng, kinh doanh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh); trong việc triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; trong việc ban hành và thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; trong giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vac–xin phòng chống dịch Covit – 19. Làm rõ trách nhiệm trong việc chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn mua sắm, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách của phòng, chống dịch.

Chưa thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa không sử dụng; chưa thống kê các dự án treo, dự án BT, BOT, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo chung cư cũ, vi phạm trật tự trong xây dựng... gây lãng phí, nhất là khu vực đô thị.

Chưa báo cáo, phân tích rõ tình hình tiết kiệm chi và sử dụng dự phòng cho phòng, chống dịch Covid-19. Đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp trong điều kiện đại dịch Covid-19; bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Về đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các đại biểu ghi nhận, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai chủ động, kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí .

Hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào viêc đóng góp cho ngân sách nhà nước và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chính phủ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thực hành tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, tiêu dùng, tăng cường tiết kiệm điện, dừng hầu hết các lễ hội, giảm việc tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm, thực hiện tốt chủ trương không đốt vàng mã tại các đền, chùa và các khu dân cư.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí . Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn một số bất cập, gây lãng phí. Công tác cơ cấu lại ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực nhưng do tác động của thiên tai, dịch bệnh nên năm 2020 bị hụt thu ngân sách trong khi phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, một số bộ, cơ quan và địa phương giải ngân đạt thấp so với kế hoạch; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm (Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông,...).

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Đến ngày 24/12/2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành cổ phần hóa; một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp; hiệu quả đóng góp của doanh nghiệp nhà nước thấp.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế,... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cơ bản tán thành với các mục tiêu, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các mục tiêu, giải pháp đã đề ra. Đồng thời lưu ý tổng hợp đầy đủ bằng văn bản các nội dung còn thiếu so với Thông báo số 4378/TB-TTKQH ngày 01/6/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội; Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung thảo luận (thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường) kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 vào chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV để làm rõ, sâu sắc hơn tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và có giải pháp để thực hiện thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác