Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, cho biết, so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo lần này đã được bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, trong đó có quy định về cơ quan cạnh tranh.
Theo đó, để bảo đảm cho cơ quan cạnh tranh có đủ cơ sở pháp lý với tư cách là một cơ quan độc lập, hoạt động tuân theo pháp luật và có đủ thẩm quyền thực hiện tốt hoạt động tố tụng cạnh tranh thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cạnh tranh được quy định ngay trong Luật
Dự thảo Luật định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VII quy định người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập, theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tham gia chủ trì hội thảo
Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn về các quy định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật có bảo đảm tính độc lập của cơ quan này với tính chất là cơ quan bán tư pháp vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có chức năng tiến hành các hoạt động tố tụng cạnh tranh.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, quy định về thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong dự thảo luật vừa thừa lại vừa thiếu. Cụ thể, dự thảo luật mới chỉ tập trung quy định thẩm quyền ở kiểm soát tập trung kinh tế mà thiếu đi các chức năng sắc bén như kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh, giám sát xử phạt, xử phạt sai phạm và đề nghị các quan điều tra, tố tụng khởi tố những vi phạm nghiêm trọng. Trong quản lý tập trung kinh tế, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội đề nghị tăng cường cơ chế hậu kiểm, giám sát theo dõi thường xuyên, nhắc nhở và xử lý vi phạm nếu có thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thông báo trước khi tiến hành tập trung kinh tế hay phải xin phép được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại phiên họp
Nhấn mạnh tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh là vô cùng quan trọng, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc đặt Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ở Bộ Công thương; đồng thời lý giải thêm, Bộ Công thương chỉ phụ trách một số lĩnh vực, một phần của thị trường, không thể thay mặt nhà nước để nói về chính sách cạnh tranh cũng như quản lý toàn bộ thị trường.
Dẫn chứng, trong quá khứ các tập đoàn kinh tế sát nhập, liên kết phối hợp với nhau đặc biệt là doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước gây ảnh hưởng, để lại hậu quả lớn cho nên kinh tế mà các cơ quan của Bộ Công thương không thể làm gì được, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phân tích rõ ràng thấu đáo vấn đề này để quy định cho phù hợp.
Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đề nghị, không nên để Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giải quyết các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh bởi đây là vấn đề pháp luật tư, đã có thiết chế dân sự, tòa án giải quyết. Nguồn lực của Ủy ban Cạnh tranh hạn chế thì nên tập trung cho các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chống độc quyền…chứ không thể chạy theo các vụ việc cụ thể của hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong cả nước.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo
Tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc đặt Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, nhưng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng cho rằng, Luật phải bảo đảm tính độc lập thực sự cho cơ quan này từ nguồn kinh phí hoạt động đến việc đưa ra quyết định.
Cùng quan điểm, một số đại biểu cho rằng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không nhất thiết phải thuộc Chính phủ hay Quốc hội hay ở Bộ mà điều quan trọng là phải bảo đảm cho cơ quan này tính độc lập trong hoạt động. Do đó, dự thảo Luật cần quy định theo hướng bảo đảm cho cơ quan này có vị thế đặc thù như con dấu riêng, ngân sách riêng…thay vì mới chỉ quy định như một cơ quan bình thường thuộc Bộ Công thương như hiện nay.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị giải thích thêm về thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Bên cạnh đó, thảo luận tại hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về thẩm quyền giải quyết và hướng giải quyết các vụ việc cạnh tranh ngoài lãnh thổ của cơ quan quản lý cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, các vụ việc cạnh tranh có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến cũng như phải bảo đảm các quy định của các hiệp định thương mại quốc tế.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định sẽ không có tình trạng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lạm quyền và các quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ trong dự thảo luật sẽ bảo đảm cho cơ quan này hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử vụ việc cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh giải trình, tiếp thu một số ý kiến góp ý của đại biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến góp ý của đại biểu để cụ thể hóa nhiều quy định của dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.