THƯỜNG TRỰC ỦY BAN ĐỐI NGOẠI KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC

09/07/2018

Chiều 09/7, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Đối ngoại, Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018-2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại  Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, việc ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm tăng cường sự phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại của mỗi cơ quan, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Theo Chương trình phối hợp công tác mà hai bên ký kết, quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hai bên, dựa trên nguyên tắc chủ động, tích cực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hoản thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại; thông tin, tài liệu, nội dung phối hợp giữa hai bên tuân thủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Hai bên ký kết chương trình phối hợp công tác

Nội dung Chương trình phối hợp công tác cũng khẳng định rõ, Thường trực Ủy ban Đối ngoại cung cấp cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thông tin về tình hình thế giới, công tác đối ngoại của Quốc hội, định hướng, biện pháp phát triển quan hệ với các đối tác, chủ trương xử lý các vấn đề đối ngoại phát sinh, lập trường của Quốc hội Việt Nam về ngoại giao nghị viện. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cung cấp cho Thường trực Ủy ban Đối ngoại thông tin về tình hình đối ngoại nhân dân, phong trào nhân dân thế giới, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, quan điểm của các cá nhân, tổ chức nhân dân các nước có liên quan đến Việt Nam, các lập luận cần thiết được sử dụng có hiệu quả trong đối ngoại nhân dân để hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động đối ngoại Quốc hội, góp phần vận động, đấu tranh dư luận, bảo vệ các lợi ích, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Hai bên xem xét, trao đổi các tài liệu, kết quả nghiên cứu về tình hình thế giới, khu vực, công tác ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, nhất là các vấn đề về hòa bình, an ninh thế giới, chính sách hội nhập quốc tế, các vấn đề về đối ngoại cụ thể khác cần sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân như dân chủ, nhân quyền, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh