Thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội (sửa đổi)

17/02/2016

Chiều 17/2, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điểu khiển phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp                                               Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình Về việc sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Trần Văn Hằng nhấn mạnh, Quy chế 2008 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng, tạo nề nếp căn bản trong quy trình tổ chức hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, đến nay Quy chế đã bộc lộ một số bất cập do nội dung không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn của hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 được ban hành đã quy định mới và cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng như công tác phối hợp triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, theo đó một số thay đổi đòi hỏi cần có những sửa đổi tương ứng tại Quy chế.

Do đó, việc sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Tờ trình cho biết, Quy chế sửa đổi dự kiến có 6 chương, 26 điều, giảm 4 điều so với Quy chế 2008. Theo đó, việc giải thích từ ngữ, quy định các nguyên tắc chung đã được chỉnh sửa nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014 và các quy định khác về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đảm bảo nguyên tắc đối đẳng trong hoạt động đối ngoại.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Trần Văn Hằng trình bày Tờ trình Về việc sửa đổi Quy chế

Thảo luận tại buổi làm việc, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá quy chế sửa đổi lần này đã tạo được sự đồng bộ trong công tác đối ngoại của Quốc hội, Đảng và Chính Phủ. Đồng thời, quy chế sửa đổi đã đưa được hoạt động của Tổng Thư ký vào trong quy chế đối ngoại của Quốc hội là một điểm mới và hoàn toàn phù hợp.

Tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như phạm vi và đối tượng áp dụng, một số quy định khác của Quy chế, các thành viên của Ủy ban Thường vụ cho rằng, cơ quan trình Quy chế cần phải rà soát lại toàn bộ các điều, khoản để quy định chi tiết, rõ ràng hơn nữa, tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Về phạm vi và đối tượng áp dụng, tại phiên thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau về đối tượng thuộc điều chỉnh của Quy chế đó là cơ quan Kiểm toán nhà nước.

Đồng tình với quan điểm của cơ quan trình dự thảo quy chế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Lê Minh Thông cho rằng Kiểm toán nhà nước mặc dù được Quốc hội thành lập nhưng vẫn là một thiết chế độc lập được quy định trong Hiến pháp, với tư cách là một cơ quan độc lập, Kiểm toán nhà nước có Quy chế hoạt động đối ngoại riêng của mình theo yêu cầu của Quy chế 272 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, không nên đưa Kiểm toán Nhà nước vào trong phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chế này. Hơn nữa, với quy định như hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang hoạt động một cách chủ động và hiệu quả. Do đó không nên điều chỉnh đối tượng này.

Tuy nhiên ở quan điểm ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan trình dự thảo xem xét cân nhắc vì theo nội dung Điều 58, Luật tổ chức Quốc hội 2014 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước. Do đó, cần đưa Kiểm toán Nhà nước thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế.

Về vấn đề có nên thành lập một Ban Điều phối có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều phối và công khai việc quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài để tránh chồng chéo, trùng lắp, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn hỗ trợ theo quy định của pháp luật Việt Nam, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ tán thành việc nên thành lập Ban Điều phối. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, phải có quy chế rõ ràng để Ban Điều phối hoạt động một cách thiết thực và có hiệu quả nhất.

Quan tâm đến hoạt động đối ngoại của một số đoàn Đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh biên giới, tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ ra thực tế hiện nay có nhiều cuộc giao lưu hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm giữa các đoàn Đại biểu Quốc hội ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Nghệ An… với các nghị sĩ nước láng giềng như Lào, Campuchia… nhưng chưa có một quy chế nào cụ thể. Do đó, Phó Chủ tịch đề nghị cơ quan trình dự thảo xem xét về việc điều tiết một số quy định trong dự thảo lần này để tạo hành lang pháp lý cho việc giao lưu hữu nghị giữa đoàn Đại biểu Quốc hội ở một số tỉnh biên giới nước ta với các nghị sĩ nước bạn láng giềng.

Kết thúc buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ đã biểu quyết nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội (sửa đổi).

Hồ Hương