ĐOÀN ĐBQH VIỆT NAM THAM DỰ ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN MINH NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI LẦN THỨ 144 (IPU-144)

21/03/2022

Ngày 20/3, Lễ Khai mạc Đại hội đồng IPU 144 đã diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bali, Indonesia với sự tham dự của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco và khoảng 1.200 đại biểu đến từ 118 Đoàn Nghị viện thành viên, 68 Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên liên kết và tổ chức quốc tế.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì họp Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhấn mạnh ý nghĩa Đại hội đồng IPU-144 nhằm thúc đẩy các Nghị viện hành động vì hòa bình, tăng cường đối thoại, hợp tác vì sự phát triển của chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế; kêu gọi Nghị viện hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế toàn cầu, giảm thiểu tác động xã hội của đại dịch và bảo đảm bình đẳng vắc-xin cho mọi người dân. Chủ tịch IPU Pacheco cảm ơn Nghị viện chủ nhà Indonesia tổ chức Đại hội đồng IPU-144, nêu quyết tâm hành động của IPU giải quyết biến đổi khí hậu, một vấn đề cấp bách và cũng là lĩnh vực ưu tiên hành động của IPU trong Chiến lược IPU giai đoạn 2022-2026.

Trong phát biểu ghi hình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guteres nhấn mạnh: Đại hội đồng IPU-144 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt những thác thức to lớn, hòa bình, an ninh bị đe dọa, trong khi đó nỗ lực phục hồi sau Covid-19 gặp nhiều khó khăn, thảm họa biến đổi khí hậu đòi hỏi thế giới phải giảm thiểu 45% khí thải, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nghị sỹ cùng chung tay xây dựng thế giới bền vững, tự cường và hòa bình hơn.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên họp Hội đồng điều hành

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng, Tổng thống Joko Widodo chúc mừng IPU, đặc biệt nhấn mạnh thế giới đang đứng trước thời khắc quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kêu gọi Quốc hội và Chính phủ hành động khẩn cấp, thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo, kêu gọi các bên huy động các nguồn lực tài chính khí hậu, đầu tư năng lượng mới, tái tạo và chuyển giao năng lượng.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đồng chí Vũ Hải Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tham dự Lễ Khai mạc Đại hội đồng.

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chủ trì họp Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương (APG), dự họp Nhóm ASEAN+3; họp và phát biểu tại Diễn đàn Nữ Nghị sỹ. Ngày 21/3/2022, Đoàn tham dự Hội đồng Điều hành, Ủy ban 1 về Hòa bình và An ninh quốc tế, Ủy ban 2 về Phát triển bền vững, Diễn đàn Nghị sỹ trẻ, Hiệp hội Tổng thư ký Nghị viện (ASGP) và một số hoạt động tiếp xúc song phương bên lề Đại hội đồng.

Tại phiên họp APG và nhóm ASEAN+3, các đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, cảm ơn sự hợp tác tích cực của Việt Nam trong việc duy trì cơ chế họp nhóm địa chính trị trong bối cảnh Tuvalu, chủ tịch đương nhiệm của Nhóm không thể tham dự IPU-144 do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phiên họp đã nghe đại diện APG trong Ban Chấp hành báo cáo kết quả họp Ban chấp hành IPU trong thời gian qua, nghe Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 trong APG báo cáo kết quả họp nhóm ASEAN+3 trong đó ghi nhận đề xuất của Indonesia về chủ đề khẩn cấp “Vai trò của Nghị viện ủng hộ giải pháp hòa bình đối với xung đột Nga-Ucraina” trình Đại hội đồng xem xét quyết định. Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; khẳng định tôn chỉ, mục đích của IPU vì hòa bình; thúc đẩy các tiến trình hòa bình thông qua đối thoại; kêu gọi hành động nghị viện ủng hộ các giải pháp ngoại giao làm giảm căng thẳng và nỗ lực hơn nữa trong cứu trợ nhân đạo.

Phiên họp Uỷ ban

Các đại biểu chúc mừng Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch nhóm ASEAN+3 và Trung Quốc tiếp nhận vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 nhân dịp Đại hội đồng IPU lần thứ 145. Tham dự và phát biểu tại phiên họp Nhóm APG, Chủ tịch IPU nhắc lại vai trò của IPU, đặc biệt đề nghị các Nghị viện gửi đề cử Giải thưởng Cremer-Passy dành cho những nghị sỹ có nhiều cống hiến, tham gia tích cực và đầy đủ các hoạt động của IPU, thúc đẩy sự phát triển của ngoại giao nghị viện trên toàn thế giới. Nhân dịp này, Đoàn Đại biểu Thái Lan cũng trân trọng mời các đoàn đại biểu nghị viện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tham dự Diễn đàn Nghị viện Châu Á Thái Bình Dương (APPF) dự kiến tổ chức tại Thái Lan 16-19/10/2022 trước thềm Hội nghị cấp cao APEC.

Tại Hội nghị của Diễn đàn Nữ nghị sỹ IPU, Chủ tịch Hạ viện Indonesia phát biểu chào mừng, đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong tiến trình hòa bình của nhân loại, tham gia và ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, và là nhân tố thúc đẩy thực hiện các cam tác động đến việc thực hiện các cam kết quốc tế trong tương lai. Các quốc gia cần chú trọng hơn nữa bình đẳng giới trong tiến trình xây dựng các kế hoạch tái thiết, phục hồi đất nước khỏi chiến tranh, xung đột, đại dịch vốn tạo nhiều bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tham luận tại hội nghị, đại biểu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học trực tuyến để đảm bảo mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh, vừa đảm bảo việc dạy và học được liên tục. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong 2 năm đại dịch, tỷ lệ học trực tuyến của Việt Nam đã đạt được khoảng 80% và cho rằng mặc dù cuộc chiến chống đại dịch đã có nhiều tiến triển tích cực, dạy và học trực tuyến vẫn tiếp tục là xu hướng của xã hội học tập trên môi trường số. Ngoài ra, một thách thức ngày càng tăng là tình trạng giáo viên và trẻ em, nhất là giáo viên và trẻ em gái bị lạm dụng, gia tăng tỉ lệ lo âu, trầm cảm trong học trực tuyến; tạo áp lực đối với phụ nữ vừa bảo đảm chăm sóc gia đình, vừa tham gia lực lượng lao động trong xã hội. Do đó, các nước cần có các chính sách bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của nữ giới; nâng cao nhận thức về những rủi ro đối với trẻ em gái tham gia các hoạt động trực tuyến, thu hẹp khoảng cách số về giới và nâng cao nhận thức, thông tin để giảm thiểu những định kiến ​​tiêu cực về giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà gặp Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Campuchia

Hội nghị đánh giá cao ý kiến của đại biểu Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về tác động của Covid-19 đối với đời sống thể chất và tinh thần của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hiện nay.

Hội đồng Điều hành IPU đã bắt đầu phiên họp lần thứ 209 ngày 21/3/2022, thông qua các báo cáo của IPU, Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU, báo cáo tác động của IPU giai đoạn 2017-2021 và thông qua Chiến lược truyền thông của IPU giai đoạn 2022-2026. Hội đồng Điều hành tiếp tục họp vào ngày 24/3/2022.

Tại Diễn đàn nghị sỹ trẻ, đại biểu Việt Nam nêu bật vai trò, sự đóng góp của giới trẻ vào việc thúc đẩy các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu đồng thời chia sẻ những khó khăn thách thức đối với thanh niên hành động vì khí hậu như hạn chế về tài chính, trình độ công nghệ, năng lực và kỹ năng chung.

Đại biểu Việt Nam đề xuất các nước tăng cường sự tham gia của thanh niên ghi nhận sáng kiến của thanh niên trong thực hiện hiệu quả các chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu  phù hợp với năng lực cũng như cam kết quốc tế trong lĩnh vực này; tăng cường hoạt động của Nghị viện trong lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách bảo đảm nguồn lực để khuyến khích vai trò của thanh niên cũng như thúc đẩy hợp tác liên nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm tăng cường sự tham gia của thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Tổng Thư ký IPU sau buổi làm việc

Nhân dịp này, đồng chí Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã gặp Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch IPU nhằm trao đổi các nội dung thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và IPU nhất là tăng cường vai trò của Quốc hội trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU đánh giá cao những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong IPU, đặc biệt dấu ấn Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội đồng IPU-132 năm 2015 đã đề ra phương châm hành động của nghị viện vì sự phát triển bền vững. Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của IPU.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào tăng cường quan hệ nghị viện song phương và đa phương, góp phần phục hồi bền vững sau đại dịch và tăng cường các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ 21-24/3/2022, Đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành, phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Hướng tới phát thải ròng bằng 0: Quốc hội tham gia hành động về vấn đề biến đổi khí hậu” và tham gia thảo luận tại các Ủy ban Thường trực của IPU./.

Ban Mai