VIỆT NAM ĐỀ XUẤT THÚC ĐẨY VAI TRÒ CỦA NGHỊ VIỆN TRONG VẤN ĐỀ PHỤ NỮ, HÒA BÌNH, AN NINH VÀ HỢP TÁC SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

12/11/2021

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 đề xuất dự thảo Nghị quyết thúc đẩy vai trò của nghị viện trong vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19. Đây là vấn đề được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, đồng thời thể hiện sự tiếp nối và kết nối với các sáng kiến của Việt Nam.


Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF 29) được tổ chức theo hình thức, kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Phần I theo hình thức trực tuyến (từ ngày 09-19/11/2021) tập trung thảo luận các dự thảo Nghị quyết và văn kiện của Hội nghị, phần II được tổ chức theo hình thức trực tiếp (từ ngày 13-15/12/2021) tại Seoul, Hàn Quốc. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu COVID-19”, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.


Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự cuộc họp Nhóm thảo luận dự thảo Nghị quyết liên quan đến nội dung nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF-29 được tổ chức tại Nhà Quốc hội.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã thông qua tầm nhìn APEC 2040, phấn đấu vì thịnh vượng với tất cả mọi người dân. Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF mới được chính thức thông qua tại Hội nghị APPF 26 tại Việt Nam năm 2018, cho thấy ngày càng có nhiều sự quan tâm đối với vai trò của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới trong hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và APPF. Trong những năm qua, APPF cũng đã có một số nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, nhưng chưa có nội dung nào liên quan đến chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, đã được Liên hợp quốc thông qua từ năm 2000. Trước thực tế đại dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng đối với mọi quốc gia, làm sâu sắc hơn vấn đề bất bình đẳng giới, phụ nữ khó có cơ hội tham gia vào các cơ chế quyết định chính sách về hòa bình, an ninh, làm hạn chế vị thế chính trị, xã hội và kinh tế của phụ nữ, hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.

Căn cứ dự kiến chương trình nghị sự của Hội nghị Nữ Nghị sỹ APPF về các giải pháp bảo đảm ứng phó khủng hoảng COVID-19 có tính đến yếu tố giới; đạt được bình đẳng giới thông qua việc nâng cao sự tham gia và sự đại diện của phụ nữ, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị đề xuất dự thảo Nghị quyết thúc đẩy vai trò của nghị viện trong vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19. Đây là vấn đề được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, đồng thời thể hiện sự tiếp nối và kết nối với các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung, tại Hội nghị này, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tập trung đưa ra đề xuất, đóng góp ý kiến vào 7 nội dung trọng tâm nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em. Trong đó nhấn mạnh việc nâng cao hiểu biết và của các nghị sỹ trong khu vực về tác động của COVID-19 đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục trực tuyến và triển khai các sáng kiến bình đẳng giới trong đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề xuất tăng cường hợp tác nghị viện nhằm giải quyết các vấn đề mất cân đối, bất bình đẳng nhằm xây dựng xã hội tự cường và công bằng hơn về dài hạn nhằm thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới vào các quy trình hoạt động của nghị viện và quy trình ra quyết sách, bảo đảm đại diện cân bằng giới trong các lực lượng chống dịch COVID-19, giảm sát mọi hành động ứng phó với đại dịch của Chính phủ và làm ngân sách từ góc độ giới.


Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự cuộc họp.

Nhận thức vai trò quan trọng của phụ nữ trong các nỗ lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi COVID-19, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà, cho rằng, mọi phương thức ứng phó với COVID-19 sẽ không hoàn chỉnh và bền vững nếu không tính đến yếu tố giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và công nghệ số đối với tăng trưởng kinh tế, sự phát triển trong tương lai của khu vực và thế giới, coi đây là giải pháp hiệu quả để ứng phó với COVID-19 đảm bảo yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.

Đoàn Việt Nam kêu gọi các nghị thành viên APPF hành động nhằm đảm bảo sự an toàn và phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em trong và sau đại dịch, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ quá trình phục hồi, thực hiện Tầm nhìn APEC 2040; kêu gọi các nghị viện thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và hoàn thiện khung khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề của phụ nữ do dịch bệnh COVID-19 gây ra; tăng cường tính đại diện và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong việc ra quyết định ở tất cả các cấp, đặc biệt trong các kế hoạch phục hồi COVID-19; luật pháp về COVID-19 có tính đến yếu tố giới; giám sát hành động của Chính phủ đối với đại dịch từ góc độ giới.

Ngoài ra, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị các nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo chia sẻ công bằng vắc-xin giữa các nước, đảm bảo phụ nữ, trẻ em được tiếp cận vắc-xin công bằng và an toàn trong tiêm chủng vắc-xin; thực hiện và tăng cường các chiến lược số bao trùm nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu về Covid -19 để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này trong phát triển các biện pháp ứng phó với khủng hoảng phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác liên nghị viện để giải quyết các tác động bất bình đẳng về giới do COVID-19 gây ra nhằm xây dựng các xã hội công bằng hơn và bền vững hơn trong tương lai./.

Bích Lan

Các bài viết khác