THÚC ĐẨY KÝ KẾT VÀ PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU (EVFTA): SỨ MỆNH QUAN TRỌNG

09/04/2019

Sáng ngày 09/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác 4 nước với gần 50 hoạt động tiếp xúc song phương và đa phương. Nhân dịp này, phóng viên chuyên trách Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu về kết qủa chuyến công tác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 140 (IPU-140)

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Vương quốc Maroc, Cộng hoà Pháp, Thăm và làm việc với Nghị viện Châu Âu và tham dự Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tại Doha, Qatar đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vai trò Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giầu trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Xin ông cho biết về dấu ấn trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân?

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có 3 mục tiêu rõ ràng. Thứ 1 là thăm chính thức Vương  quốc Maroc và Cộng hoà Pháp. Thứ 2 là thăm và làm việc với Uỷ ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu để thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Thứ 3 là Chủ tịch Quốc hội đến Doha dự Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140. Có thể nói 3 mục tiêu này đòi hỏi thời gian thích hợp cho các chuyến thăm cũng như các cuộc làm việc và dự kỳ IPU-140.

Trước tiên, đề cập đến chuyến thăm chính thức Vương Quốc Maroc từ ngày 27/8-30/3. Đây là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta sau 14 năm. Từ quan hệ rất tốt đẹp của hai nước, các nhà lãnh đạo Maroc chờ đợi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cũng chính vì vậy, nội dung làm việc trong chuyến thăm được Quốc hội hai nước chuẩn bị rất kỹ lưỡng với mục tiêu là thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Maroc lên tầm cao mới.

Tại các cuộc hội đàm và làm việc, các nhà lãnh đạo Maroc đều có chung đánh giá: Mặc dù trong những năm gần đây quan hệ hợp tác hai nước phát triển nhanh chóng, nhưng nhìn vào tiềm năng và lợi thế  thì vẫn chưa tương xứng. Chủ tịch Quốc hội nước ta và các nhà lãnh đạo của Maroc thống nhất và thể hiện quyết tâm rất cao là phía Maroc chọn Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á. Ngược lại, Chủ tịch Quốc hội nước ta cũng khẳng định: Việt Nam chọn Maroc là cửa ngõ để vào Châu Phi. Tôi cho rằng đây là hành động lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Maroc đã đồng chủ trì hội đàm

Thành công của chuyến thăm được khẳng định bằng những ký kết cụ thể của một số bộ, ngành và địa phương của Việt Nam và Maroc về hợp tác giữa hai bên. Đó là Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Năng lượng mỏ và phát triển bền vững Maroc và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; Ký kết Bộ Công nghiệp, đầu tư, thương mại và kinh tế số của Maroc với Bộ Công thương Việt Nam. Đặc biệt, điểm mới là lần đầu tiên hai địa phương của Việt Nam và Maroc ký văn bản hợp tác, đó là thành phố Đà Nẵng và thành phố Tangier. Hai địa phương này có nhiều điểm tương đồng. Nếu Đà nẵng là cửa ngõ và là động lực của kinh tế miền trung thì thành phố Tangier, Maroc, cũng là cửa ngõ của các địa phương khác của Maroc. Do vậy, 2 địa phương có điều kiện để thúc đẩy hợp tác, phát triển nhanh hơn.

Trong chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo Ma rốc  cũng dành thời gian  cho chúng ta nghiên cứu tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế vùng Marakech. Đây  được coi là động lực phát triển của Maroc, vùng kinh tế mở, hay nói cách khác  cải cách đi trước và lấy trọng tâm là khai thác dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Phía Maroc cho biết, đến nay nghành du lịch tại Marakech phát triển nhanh chóng với khoảng 86 nghìn giường khách sạn và 150 ngàn công nhân, người lao động, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp để duy trì các sản phẩm phục vụ cho chuỗi sản phẩm du lịch. Điều này mang lại nhiều công ăn việc làm và các giá, trị thúc đẩy giá trị thương mại. Tôi cảm nhận được sức sống của Marrakech rất rõ ràng và Việt Nam sẽ nghiên cứu mô hình đặc biệt này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về bước tiến trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp hiện nay? 

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: Trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp, sau khi Việt Nam và Pháp nâng quan hệ lên đối tác chiến lược đã hình thành chuỗi hoạt động của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. Tháng 3/2018, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Cộng hoà Pháp. Trong năm 2018, Thủ tướng Pháp cũng sang thăm Việt Nam. Và lần này, Chủ tịch Quốc hội thăm Pháp. Điều này thể hiện quan hệ của chúng ta cụ thể hơn, gần hơn, rõ ràng hơn và thực chất hơn. Cộng hoà Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao 46 năm và hai nước cũng rất hiểu nhau qua quá trình lịch sử, bây giờ muốn xích lại gần nhau để có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và quan hệ kinh tế mở rộng hơn. Đặc biệt, Cộng hoà Pháp là quốc gia có cộng đồng người Việt  đông đảo nhất. Các nhà lãnh đạo của Pháp đánh giá rất cao lực lượng người Việt sống tại Pháp, đây là lực lượng đóng góp cho sự phát triển của cả nước Pháp và Việt Nam, và đặc biệt hơn đó là cầu nối quan trọng trong quan hệ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 11

Trong chuyến thăm chính thức cộng hoà Pháp lần này, không có doanh nghiệp của Việt Nam sang tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư nhưng kế thừa từ  hai lần thăm của lãnh đạo cấp cao trước đó, phía Pháp đã chọn 15 doanh nghiệp hàng đầu của Pháp để cùng với một số nghị sỹ của Thượng viện và Hạ viện Pháp đối thoại với các thành viên của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam để đưa ra được định hướng đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp của Pháp bày tỏ quan tâm đến các dự án lớn của Việt Nam như cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long thành, vấn đề cấp thoát nước, khoa học công nghệ, vấn đề nông nghiệp, công nghệ cao, y tế, vốn là thế mạnh của Pháp.

Chúng tôi vui mừng vì các nhà đầu tư Pháp nhìn nhận và đánh giá rất cao  môi trường đầu tư của Việt Nam. Tất nhiên có vấn đề họ đặt ra, Việt Nam cần tập trung cải cách hành chính một cách triệt để hơn, tuân thủ thực hiện Chính phủ điện tử mang lại lợi ích cho nhà đầu tư cũng là lợi ích của đất nước mình.

Ở Cộng hoà Pháp,  Chủ tịch Hạ viện Pháp trao đổi vấn đề ủng hộ Việt Nam ký kết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Các nhà lãnh đạo Pháp cũng nỗ lực hết mình để có tiếng nói thúc đẩy ký kết Hiệp định. Tuy nhiên,  Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo đương chức của Nghị viện Châu Âu có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ Hiệp định EVFTA như một hồ sơ ưu tiên hàng đầu ngay khi nhiệm kỳ bắt đầu để sớm đi đến ký kết.

Tại cuộc gặp mặt cộng đồng người Việt tại Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đóng góp của Kiều bào nói chung và cộng đồng người Việt tại Pháp nói riêng, trong việc phát triển đất nước

Thăm Cộng hoà Pháp lần này, Chủ tịch Quốc hội làm 2 nhiệm vụ rất quan trọng đó là gặp gỡ gần 700 bà con Việt kiều đang sinh sống ở Pháp nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ Thành lập Hội. Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước ta trân trọng tổ chức hội và quyết định định trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2 cho Hội. Có thể nói, buổi gặp gỡ rất xúc động khi cảm nhận được tình yêu với quê hương Việt Nam của bà con Kiều  bào. Ở nước ngoài, bà con lúc nào cũng nhớ đất nước và trong nước cũng nhớ bà con. Dù xa nhau về địa lý nhưng luôn có sự kết nối bằng tinh thần, bằng ý chí Việt Nam.

Thăm Cộng hoà Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự cuộc họp lần thứ 11 Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp. Hiện có 36 địa phương của Pháp có hợp tác với 50 địa phương của Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao hiệu quả của cơ chế hoạt động địa phương. Đến nay, hai Bên đã triển khai cụ thể 335 dự án. Cứ 3 năm họp 1 lần. Hội nghị lần thứ 11 tại Pháp thì Hội nghị lần thứ 12 sẽ tổ chức tại Hà Nội vào năm 2022.

Cảm nhận tại Hội nghị lần thứ 11 này, các địa phương hai nước đã bàn định hướng rất cụ thể. Lần này bàn 5 mục tiêu. Thứ 1 là vấn đề văn hoá vật thể và phi vật thể. Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn. Thứ 2 là biến đổi khí hậu, đây là thế mạnh của Pháp. Thứ 3 là hợp tác về y tế. Thứ 4 là hợp tác về phát triển kinh tế bền vững. Thứ 5 là phát triển đô thị thông minh. Thực sự Hội nghị này đã để lại dấu ấn và các địa phương của Việt Nam có thể vận dụng được những kinh nghiệm trong phát triển của  các địa phương của Pháp.

Phóng viên: Ông kỳ vọng gì vào việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA sau chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Uỷ ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu?

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: Thăm Nghị viện Châu Âu và Uỷ ban Châu Âu để nhằm thúc đẩy việc sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam

Có thể nói, đây là sứ mệnh cực kỳ quan trọng trong chuyến đi. Bởi lẽ, Việt Nam muốn sớm ký và triển khai Hiệp định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trong phạm vi của Hiệp định. Tôi ấn tượng với chia sẻ chân thành của Ngài Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, đó là khi Hiệp định đang trong quá trình rà soát về dịch thuật thì đã trình lên Hội đồng Châu Âu. Hành động đó thể hiện tình cảm yêu quý Việt Nam của Ngài Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, nhưng thực ra đó cũng là lợi ích  thiết thực của EU. Dù các nhà lãnh đạo Hội đồng Châu Âu hay Nghị viện Châu Âu đều bày tỏ quan điểm là muốn triển khai nhanh nhưng vì lý do khách quan, Hiệp định sẽ được xem xét vào ngay nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của khối EU cũng gợi mở những vấn đề mà nghị sỹ một số nước đặt ra. Đó là chúng ta cần có tín hiệu  mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn về bổ sung Luật Lao động phù hợp với cam kết theo tổ chức Thương mại thế giới. Thứ 2 là hướng dẫn cụ thể về an ninh mạng. An ninh mạng phải làm để bảo vệ đất nước mình nhưng đồng thời không được làm tổn thương hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Vấn đề thứ 3 nữa là vấn đề nhân quyền. Việt Nam cần đưa ra tín hiệu một cách rõ ràng, cụ thể. Chủ tịch Quốc hội nước ta cũng khẳng định với các nhà lãnh đạo EU và Nghị viện Châu Âu. Quá trình hoàn thiện pháp luật của Việt Nam dần dần theo chuẩn mực thông lệ Quốc tế vì đã ký kết đến 12 hiệp định FTA. Trong đó, mới nhất là có CPTPP. Vấn đề nhân quyền thì hai Bên tiếp tục đối thoại để tìm ra tiếng nói chung. Trong quá trình trao đổi, cá nhà lãnh đạo EU đều có cách nhìn tích cực về Việt Nam và họ mong muốn sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định này. Về phần mình, chúng ta cũng phải xem xét kỹ lưỡng những khuyến nghị để xem mặt nào chúng ta triển khai nhanh, chúng ta cũng phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Jacques Brotch hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 

Nhân chuyến thăm và làm việc của Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch Quốc hội  nước ta cũng làm việc với Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Bỉ. Mặc dù không thăm chính thức, nhưng các lãnh đạo Nghị viện Bỉ đã chuẩn bị chương trình hoạt đông rất cụ thể. Vương quốc Bỉ coi Việt Nam là nước đang phát triển và có mội trường đầu tư rất ổn định. 20 năm qua, Việt Nam đã phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng 7,08% năm 2018. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Nghị viện Bỉ đều dành lời khen ngợi với 13 nghìn kiều bào Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Bỉ luôn hoà thuận, làm việc tốt đóng góp rất vào sự phát triển của của đất nước Bỉ. Các nhà lãnh đạo Bỉ cho rằng, hai nước cần nâng kim nghạch thương mại hai chiều lên nữa, thúc đẩy khả năng hợp tác về du lịch còn nhiều tiềm năng.

Phóng viên: Xin ông cho biết những đóng góp và các hoạt động của Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 này?

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu:  Kỳ Đại hội đồng IPU-140 thu hút các nước thành viên đến rất đông đảo với 1.600 nghị sỹ từ 162 quốc gia và sự tham gia của 76 người đứng đầu Nghị viện các nước. Với chủ đề “Các Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hoà bình, an ninh và pháp quyền” thì Chủ tịch Quốc hội nước ta là người phát biểu thứ  2 trong Phiên họp toàn thể. Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội nước ta được lãnh đạo Nghị viện các nước, cũng như Bà Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU đánh giá rất cao. Việt Nam đánh giá cao vai trò của IPU về những chủ trương và Nghị quyết của IPU khi đưa ra khuyến nghị cho các nghị viện thành viên. Đối với chủ đề IPU-140, Chủ tịch Quốc hội nước ta cũng nêu nhiều vấn đề, trong đó có liên hệ với Việt Nam với mục tiêu cao nhất là mong muốn tạo lập môi trường hoà bình, thịnh vượng và phát triển cho tất cả các quốc gia. Tôi ấn tượng kỳ họp IPU lần này, bởi các phiên thảo luận diễn ra trong bầu không khí nhẹ nhàng, mượt mà hơn, thể hiện quan điểm rõ ràng. Đó là những khuyến nghị mà IPU đưa ra thì các nước thành viên phải cam kết thực thi, thường xuyên trao đổi những vấn đề lớn để hợp tác, tăng cường đối thoại để giảm bớt tiêu cực xảy ra với các nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Qatar Sheikh Abdallah Bin Nasir Bin Khalifa Al Thani

Bên lề Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nước ta nước  ta đã trân trọng được Thủ tướng và Chủ tịch Hội đồng Shera Qatar dành thời gian gặp gỡ. Đặc biệt khi chào đón Chủ tịch Quốc hội nước ta, Chủ tịch Nghị viện Qatar rất ca ngợi Việt Nam và sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định và phát triển, bởi Việt Nam là điểm sáng trong giành độc lập dân tộc, Qatar tổ chức thành công IPU-140 cũng là có sự tham khảo kinh nghiệm quý báu từ công tác tổ chức IPU-132 tại Việt Nam.

Phía Qatar mong muốn  tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam hơn nữa. Nếu như trước đây chỉ có dầu khí và lao động thì nay Qatar muốn thúc đẩy thương mại, y tế, du lịch.

Tại Qatar, Chủ tịch Quốc hội nước ta gặp gỡ song phương với nhiều người đứng đầu Nghị viện các nước. Có thể nói, các cuộc găp gỡ này rất quan trọng bởi các nhà lãnh đạo có thể chia sẻ và giải quyết những vấn đề phát sinh, bàn vấn đề diễn ra trên thế giới và vấn đề cụ thể trong hợp tác song phương nhằm giữ môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Hội đồng Shura (nghị viện) Qatar, ngài Ahmed bin Abdullah Al Mahmoud

Chuyến công tác tại 4 nước, Chủ tịch Quốc hội nước ta có đến 50 hoạt động gặp gỡ tiếp xúc song phương và đa phương. Khối lượng chương trình dày đặc như vậy nhưng chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thật sự đem lại sự lan toả trọng, thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Đây là chuyến đi thành công, ấn tượng với nhiều đổi mới trong hoạt động cấp cao. Sau đây, sẽ là các chuyến thăm hợp tác trao đổi đoàn giữa Việt Nam với các nước, sẽ cần đặt ra những công việc trao đổi hết sức cụ thể để hợp tác mang lại hiệu quả thực chất trong phát triển kinh tế, thương  mại giữa Việt Nam với các nước mà lãnh đạo cấp cao đến thăm./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!

Hải Yến - Quang Sỹ