Báo cáo với Đoàn, đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với địa bàn là một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất của nông dân gặp khó khăn và xảy ra hầu như tất cả các mùa trong năm. Vào mùa khô tình trạng nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước ngọt bổ sung, mực nước phía đòng hạ thấp gây ra hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa và sự nhiễm mặn của nước ngầm, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Vào mùa mưa thì tình trạng mưa bão, nước dâng cao với cường độ ngày càng tăng gây thiệt hại lớn đến sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân.
Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp với biển, chịu tác động rất mạnh bởi biến đổi khí hậu, dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp, khó lường, bờ biển bị sạt lở rất nghiêm trọng làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn (từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã mất khoảng 8.870ha). Những diễn biến bất lợi về thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, đời sống dân sinh... Hiện tượng nước biển dâng làm ảnh hưởng đến khoảng 10.000km kênh mương. Hệ thống đê biển bị đe dọa nghiêm trọng, đai rừng phòng hộ đang mỏng dần, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn bị ngập, đặc biệt là khi có bão và triều cường.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cà Mau cũng là tỉnh duy nhất của miền Tây không có nước ngọt bổ sung từ sông Mekong, rất lệ thuộc vào thời tiết, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa nên khi nắng hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Cà Mau cũng là tỉnh duy nhất có đường bờ kéo dài từ Đông sang Tây, do đó, tình hình sạt lở ven biển càng phức tạp, diễn ra rộng khắp, bủa vây cả vùng bán đảo Cà Mau.
Trong giai đoạn 2009 - 2019, khi Việt Nam trở thành thành viên Các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, Cà Mau đã ký kết với nhiều đối tác nước ngoài, thực hiện 10 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện Các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu có tác động to lớn đối với việc giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cho nhân dân, doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Các điều ước quốc tế được lồng ghép vào các chương trình, hành động phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các công nghệ mới, các giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp sẽ được áp dụng qua đó giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cà Mau còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc bởi các văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về biến đổi khí hậu ở địa phương còn mỏng, nhất là chưa hình thành được hệ thống đồng bộ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu từ trung ương đến địa phương. Nguồn ngân sách cho biến đổi khí hậu còn hạn chế so với yêu cầu thực tế. Cà Mau cũng như cả nước chưa huy động được các nguồn vốn xã hội hóa cho công tác biến đổi khí hậu
UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh mức độ phân cấp sạt lở đất ven biển từ mức nguy hiểm lên mức đặc biệt nguy hiểm để áp dụng cơ chế xử lý khẩn cấp nhanh chóng khắc phục được hậu quả, bảo vệ tài nguyên quốc gia. Xem xét cho Cà Mau thực hiện cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, vì nếu làm đúng quy trình sẽ không thể xử lý kịp thời sự cố, dẫn đến vỡ đê, gây thiệt hai lớn cho địa phương. Chính phủ hỗ trợ kinh phí và huy động các nguồn vốn để thực hiện các công trình xây dựng kè phòng hộ, đê biển, rừng phòng hộ, các công trình sạt lở đê biển, bờ biển, di dời dân cư vào nơi an toàn…
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Cương ghi nhận nỗ lực của Cà Mau trong việc khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra đồng thời sẽ báo cáo với QH những kiến nghị, đề xuất của địa phương.