GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM”

22/08/2019

Chiều ngày 22/8 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia cùng các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại.

Hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, việc tiến hành giám sát chuyên đề liên quan đến quản lý người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhằm rà soát chính sách, pháp luật về công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam và kết quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Việc giám sát tập trung vào công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, nhà ở, lao động, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch đối với người nước ngoài tại Việt Nam... trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo điều kiện cho luồng di chuyển tự do của cá nhân, tổ chức nước ngoài; đánh giá những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo của Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao về thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam thuộc lĩnh vực phụ trách.

Theo đại diện Bộ Công an, bốn năm thực hiện các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; hai năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Các chính sách đã cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng , an ninh của đất nước, đảm bảo công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam về an ninh trật tự, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và hội nhập quốc tế, tạo môi trường pháp lý ổn định về phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng cho rằng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định biện pháp “Buộc xuất cảnh” đối với người nước ngoài hết thời hạn tạm trú không chịu xuất cảnh, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không quy định hình thức xử lý này, vì vậy, dẫn đến khó khăn khi áp dụng; Quy định điều kiện nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực gây vướng mắc đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch. Bên cạnh đó, Luật chưa có quy định chế tài đối với cơ sở lưu trú là khách sạn không nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài dẫn đến việc một số cơ sở lưu trú không chấp hành nghiêm túc quy định về nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh…

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu tại hội nghị

Trong khi đó, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng việc quản lý lao động nước ngoài trong Bộ luật Lao động còn nhiều bất cập. Đơn cử như chưa có quy định riêng về lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu nước ngoài, quy định thời hạn của hợp đồng lao động chưa phù hợp với thời hạn của giấy phép lao động, quy định về thử việc đối với người lao động nước ngoài chưa phù hợp, chưa có quy định về gia hạn giấy phép lao động. Quy định về việc người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp có thời goạn dưới 3 tháng không cần giấy phép lao động gây khó khăn cho công tác quản lý lao động nước ngoài tại các địa phương.

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng việc chia sẻ dữ liệu nhằm quản lý người nước ngoài xuất nhập cảnh vào Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc; việc quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh biên giới có tính chất rất phức tạp; và dù đã có quy định về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng số lượng người nước ngoài sở hữu nhà là rất ít… Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu Bộ luật Lao động sửa đổi có những điều khoản về lao động nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có quy định để quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các nhà thầu; sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trong đó có nội dung về quản lý lao động như khi thành lập doanh nghiệp và đưa vào hoạt động phải có phương án sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao báo cáo của các bộ ngành và tiếp thu những kiến nghị của các đại biểu liên quan đến chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là việc quản lý người lao động nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở, cấp thị thực… Trên cơ sở đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ hoàn thiện báo cáo chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” để gửi tới các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8 và kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để xử lý những vấn đề phát sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam là vấn đế rất lớn, liên quan đến nhiều hoạt động, ở nhiều bộ ngành, do đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để nâng tầm Giám sát tối cao về vấn đề này nhằm hoàn thiện hơn chính sách, pháp luật có liên quan, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Trọng Quỳnh