HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC CHO THÚC ĐẨY SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

23/11/2022

Tại Hội thảo Đối thoại quốc gia về “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ” diễn ra sáng 23/11, các đại biểu cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý Nhà nước cho đến hỗ trợ kỹ thuật...

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH THEO ĐUỔI MỤC TIÊU ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU THEO NGUYÊN TẮC CÔNG LÝ, CÔNG BẰNG

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại quốc gia về “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các lãnh đạo, thành viên của Ủy ban cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành, các tổ chức quốc tế.


Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận xung quanh 02 Phiên thảo luận về Khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và Tài chính xanh.

Đề cập về nội dung trên, ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Năng lượng, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức cho rằng, việc chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam nên được chú trọng từ việc xây dựng chính sách pháp luật, giúp Việt Nam có được thị trường bền vững. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Việt Nam cần thêm nguồn lực tài chính từ sự đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân. Ngoài ra, ông Philipp Munzinger cũng cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực để thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững, phát triển thị trường công nghệ, năng lượng tái tạo.


Ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Năng lượng, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Chia sẻ về chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công thương nêu quan điểm: Việc khai thác và sử dụng năng lượng hoá thạch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường và gia tăng hiệu ứng nhà kính. Câu hỏi lớn đặt ra là làm sao để chuyển dịch năng lượng thành công, phục vụ phát triển bền vững, thân thiện với môi trường? Nhiều ý kiến cho rằng, nghiên cứu nhằm tạo ra công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng. Chuyển dịch năng lượng cần có tư duy hợp tác, đặc biệt là hợp tác về công nghệ để tìm ra giải pháp toàn diện hướng tới mục tiêu giảm phát thải CO2 trên phạm vi toàn cầu.

Để thúc đẩy hiệu quả chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, cần hình thành thói quan sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.


Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công thương.

Đề cập về vai trò của năng lượng sinh học trong chuyển dịch năng lượng, bà Lê Thị Thoa thuộc Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam cho rằng, năng lượng sinh học là một nguồn năng lượng ổn định do có thể được vận hành như các nhà máy điện than, dầu, khí. Khi không đủ gió và ánh sáng mặt trời để phát đủ điện lên lưới, đơn vị vận hành lưới điện có thể huy động các nhà máy điện sinh học nhằm duy trì tính ổn định và an ninh lưới điện. Với các hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ lưới điện thông minh và các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, chúng ta có thể ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và duy trì lưới điện ổn định và an toàn.  

Để thực hiện được mục tiêu trên, bà Lê Thị Thoa cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường trong việc xem xét, điều chỉnh giá mua điện từ các nhà máy điện sinh khối, không nên ban hành giá mua điện theo công nghệ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các nhà máy nhiệt điện than chuyển đổi nhiên liệu (một phần than sang sinh khối). Ngoài ra, cần sớm ban hành cơ chế giá cho nhà máy, hệ thống điện khí sinh học.


Bà Lê Thị Thoa thuộc Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn đóng góp ý kiến về chuyển dịch năng lượng hướng đến Net zero; Tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường; Tài chính trong chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam...

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận xung quanh 02 Phiên thảo luận về Khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và Tài chính xanh.

Đối với 2 Phiên thảo luận trên, các đại biểu tập trung vào các giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Công nghệ trong chuyển dịch năng lượng trong các hoạt động của Tập đoàn, công ty. Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, Việt Nam cần thêm nguồn lực tài chính, sự đầu tư cũng như những chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.

Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, Bộ ngành, tổ chức quốc tế đối với từng chủ đề của các Phiên thảo luận. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đại biểu tại Hội thảo cũng là các vấn đề lớn về mặt chính sách giúp cho Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị thực hiện Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” được sát thực, hiệu quả hơn nên sẽ được tiếp thu, tổng hợp kỹ lưỡng./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Hội thảo Đối thoại quốc gia về “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ”.


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, Trường đại học Bách khoa Hà Nội điều hành phiên thảo luận 1.

Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương đề cập về chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc VIETSE đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Ông Lê Minh Chuẩn - Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam nêu quan điểm tại Hội thảo.

 Bà Chiara Rogate – Chuyên gia năng lượng cấp cao, Ngân hàng thế giới đề cập về Tài chính trong chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức.

Đại diện nhóm nghiên cứu VIETSE trình bày quan điểm tại Hội thảo.

Ông Bùi Đức Minh - Phó Giám đốc Ban Tín dụng Quốc tế, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đề cập về thực trạng cho vay tín dụng xanh trong lĩnh vực năng lượng của ngân hàng Vietcombank.

Bích Lan - Nghĩa Đức