Phiên họp thẩm tra sơ bộ về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 dự án quan trọng quốc gia

10/04/2025

Sáng 10/4, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ các Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 dự án quan trọng quốc gia. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chủ trì Phiên họp.

Đoàn công tác của Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng

Tham dự Phiên họp có các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số Bộ ngành và  UBND tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Nghệ An, Thanh Hóa.

Việc thẩm tra 3 dự án quan trọng quốc gia gồm: thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tự dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14; việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Những dự án này sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2025 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2025.

Toàn cảnh Phiên họp

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Mục tiêu dự án nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án tại Công văn số 541/TTg-NN ngày 14/5/2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó có thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. UBND tỉnh giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (Ban QLDA) làm chủ đầu tư dự án tại Công văn số 4079/UBND-ĐTQH ngày 23/10/2023. Trên cơ sở tính toán, rà soát các công việc hạng mục của Dự án theo quy định về đầu tư xây dựng hiện hành thì Dự án dự kiến kết thúc vào ngày 06/7/2028 (tổng thời gian thực hiện Dự án là 1.473 ngày kể từ ngày Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023). Dự án dự kiến triển khai thông qua gồm 104 hoạt động với 11 nhóm chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau.

Đến thời điểm hiện nay, Dự án đã triển khai thực hiện được một số công việc: Đã hoàn thành và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 203/GPBTNMT ngày 28/6/2023; Đã hoàn thành và được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án tại Quyết định số 3821/QĐ-BTNMT ngày 27/11/2024; Đã hoàn thành và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 12/3/2025. Công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng: Đã hoàn thành vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng sản xuất vào tháng 4/2022. Ngoài ra, để triển khai Dự án, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện các công việc khác như: Giải phóng mặt bằng, triển khải giải ngân nguồn vốn...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung

Dự án Hồ chứa nước sông Than nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 03/QĐ-HĐND ngày 30/3/2017 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 10/12/2020. 

Dự án Hồ chứa nước sông Than có dung tích 85,04 triệu m3 với 04 nhiệm vụ chính: (1) Cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác; (2) cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 dân vùng hạ lưu; (3) cấp nước 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; (4) cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn; cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, kết hợp giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ và tạo cảnh quan du lịch.

Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2024. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội. Vì vậy, năm 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án là 431,76 ha (trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 100,63 ha; rừng sản xuất: 309,48 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 21.65 ha).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng

Ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14 đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình. Đơn vị thi công đang tiến hành công tác hoàn thiện các công việc phụ trợ và vận hành thử tải các hệ thống cửa van tràn xả lũ, cống dẫn dòng, cống lấy nước, hệ thống điện để đủ điều kiện nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trước lũ tiểu mãn. Thời gian dự kiến hoàn thành/đưa vào sử dụng dự án trên thực tế là vào tháng 4/2025. Công tác trồng rừng và chăm sóc rừng trồng thay thế của Dự án Hồ chứa nước Sông Than từ năm 2019 đến nay thì toàn bộ diện tích trồng rừng được đánh giá đạt yêu cầu; mật độ cây trồng đảm bảo cây sinh trưởng tốt. 

Đối với Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, diện tích trồng rừng thay thế để thực hiện dự án là 2.456,32 ha, trong đó diện tích phải trồng rừng thay thế thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa là 1.651,05ha, thuộc tỉnh Nghệ An là 805,27 ha. Đến nay, chủ đầu tư đã nộp đầy đủ tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An theo quy định.

Cũng theo báo cáo này, hợp phần xây dựng công trình đầu mối đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ hợp phần này vào ngày 31/5/2025. Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang được các địa phương tích cực triển khai, trong đó tại tỉnh Nghệ An đã hoàn thành 50% khu tái định cư sau đập phụ 1 của hồ chứa nước, hoàn thành 85% việc xây dựng khu tái định cư khu vực dốc 77.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ

Thay mặt cơ quan thẩm tra, trình bày ý kiến đánh giá bước đầu của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện 3 dự án nêu trên, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với dự án Hồ chứa nước Pa Két, Thường trực Ủy ban đề nghị, Chính phủ thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, nhất là chế độ báo cáo; rút kinh nghiệm chủ động báo cáo sớm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu có thay đổi về tiến độ hoàn thành dự án; làm rõ tính chủ động của địa phương trong quá trình thực hiện dự án…

Đối với dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, Chính phủ cần rà soát, xác định giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thống nhất phương án thực hiện trồng rừng thay thế…

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Đối với dự án Hồ chứa nước Sông Than, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Ninh Thuận; ghi nhận nỗ lực của chính quyền địa phương và đơn vị thi công trong thời gian qua; bổ sung các bài học kinh nghiệm của địa phương trong triển khai dự án. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo bổ sung về nhu cầu vốn đầu tư hệ thống ống dẫn nước để phát huy cao nhất hiệu quả của hồ chứa nước Sông Than.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu, Bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh có 3 dự án trên đã tập trung thảo luận về tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân nguồn vốn; công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than; trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các dự án...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.

Ngoài ra, các Bộ ngành, địa phương cần hoàn thiện rõ hơn các báo cáo về tiến độ cũng như đề xuất kéo dài thời gian thực hiện đối với dự án phải kéo dài. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, Bộ ngành trong việc triển khai, giám sát; giải trình những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án; đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị có liên quan.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đinh Ngọc Minh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Phiên họp.

Bích Lan - Trọng Quỳnh