THẨM TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ CHO KH&CN NĂM 2023
GIÁM SÁT VIỆC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI ĐỒNG NAI
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa thực hiện Phiên họp lần thứ 7 với phần thẩm tra Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ; việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023, dự kiến hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu, thành viên tại các Ủy ban của Quốc hội là việc sử dụng kinh phí, ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và tính hiệu quả của việc đầu tư này ở các cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ bày tỏ băn khoăn về kết quả công bố khoa học công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ, giải pháp chuyển giao kỹ thuật còn hạn chế. Với kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ Trung ương hàng năm thì cần phải xem xét lại việc đầu tư cho khoa học công nghệ đã thực sự hiệu quả hay chưa.
Về công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí quốc tế uy tín, năm 2022, số lượng bài báo khoa học công nghệ được công bố của Việt Nam là 18.000 bài. Một số cơ quan, Bộ ngành, cơ quan được cấp kinh phí nhiều nhưng lại có số lượng công trình, bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế ít hơn những đơn vị khác. Ví dụ như Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam được cấp 845 tỷ đồng và đã được công bố 1.619 bài báo về khoa học công nghệ trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh được cấp kinh phí là 162 tỷ đồng nhưng đã được công bố 2.248 bài báo khoa học công nghệ. Còn Đại học Cần Thơ được cấp khoảng 30 tỷ đồng nhưng đã được công bố 716 bài.
Qua số liệu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan cần xem xét lại tính hiệu quả trong việc phân bổ kinh phí giữa các cơ quan, đơn vị thông qua các sản phẩm khoa học công nghệ được quốc tế công nhận. Chứ không phải là có cơ quan, đơn vị được cấp nhiều kinh phí nhưng sản phẩm công bố ít hơn những đơn vị có sản phẩm, bài báo khoa học công nghệ được công nhận nhiều hơn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.
Liên quan đến nội dung trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm: Việc phân bổ và giao dự toán ngân sách về khoa học công nghệ hàng năm thường vẫn để lại một khoản kinh phí chưa phân bổ. Số tiền này thường được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất trích ra để phân bổ nhưng lại không nêu rõ để thực hiện, triển khai vào những nhiệm vụ cụ thể nào. Vì vậy, vấn đề này cần được Bộ và các cơ quan hữu quan làm rõ hơn về nhiệm vụ chi đã có kế hoạch từ trước không hay phát sinh từ khi nào.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần làm rõ hơn nguyên nhân, lý do kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương giảm so với năm 2022 và tăng ở phần kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ địa phương. Về sử dụng ngân sách Nhà nước chi đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ, tán thành với việc phân bổ ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm tập trung ưu tiên mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2023.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ một số nội dung như: Nguyên tắc phân bổ ngân sách Nhà nước triển khai hoạt động khoa học và công nghệ hằng năm cho các Bộ, ngành, địa phương; chưa đề cập đến kinh phí dự phòng cho các nhiệm vụ đột xuất tại các Bộ, ngành; chưa phân tích rõ hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển tại các địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.
Theo Báo cáo của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc phân bổ nguồn vốn chi sự nghiệp ở địa phương đạt 100%, vốn chi sự nghiệp ở Trung ương đạt 88,9%. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, trong Báo cáo chưa có phân tích rõ tính hiệu quả trong chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, xác định cơ quan, địa phương nào chi hiệu quả; chưa thống kê được chi đầu tư phát triển của địa phương và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về chi đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ, Luật Đầu tư công quy định Quốc hội quyết định giao phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, ngành và địa phương được chủ động giao và điều chỉnh kế hoạch vốn năm trong nội bộ giữa các ngành, lĩnh vực của đơn vị theo khả năng thực hiện dự án. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nguồn lực chi đầu tư phát triển ngành khoa học và công nghệ phải trên cơ sở cả giai đoạn trung hạn.../.