PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 12 CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

05/05/2020

Chiều ngày 05/5, Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 12 để thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đại diện cơ quan trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham dự phiên họp qua phần mềm họp trực tuyến.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Phiên họp toàn thể chiều nay của Ủy ban là cơ hội để các thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng thảo luận và cho ý kiến về các Báo cáo chuẩn bị trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới. Cụ thể là nội dung về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng mong muốn các đại biểu, với cương vị là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiêm túc đánh giá và cho ý kiến về các nội dung chương trình phiên họp đề ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà tại phiên họp

Báo cáo về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật. Ngày 24/3/2020, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật này.  

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, cũng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH. Ngày 23/3/2020, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật này.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung của 02 dự thảo Luật; cho rằng, sau Kỳ họp thứ 8, với nhiều lần góp ý kiến, Ủy ban thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung góp ý vào các điều, khoản của dự thảo luật.

Về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, một số ý kiến đề nghị bổ sung loại hình thiên tai “cháy rừng” vào trong dự thảo luật vì tính chất khốc liệt của loại cháy này và thiệt hại gây ra.

Ủy viên Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bùi Thanh Tùng –  Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng phát biểu

Theo Ủy viên Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bùi Thanh Tùng – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; cháy dừng có thể do tác động của thiên nhiên, cũng có thể do tác động của con người. Tuy nhiên, cháy rừng không phải lúc nào cũng do con người. Đại biểu cho rằng, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hạn có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao. Do vậy, cháy rừng do nắng nóng, hạn hán kéo dài ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy.

Các đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy không chồng chéo, đồng thời sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy, chữa cháy (chủ yếu quy định phòng ngừa tác nhân cháy do con người gây ra) khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành. Việc quy định cháy rừng là một loại hình thiên tai sẽ tạo được cơ chế để giải quyết hậu quả của cháy rừng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương và thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, đề nghị Ban soan thảo làm rõ thêm nếu thành lập như vậy có phát sinh thêm biên chế hay không?

Về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật.

Tuy nhiên số ý kiến đại biểu đề nghị cần rà soát tính đồng bộ của các dự án Luật để đảm bảo quy hoạch xây dựng thống nhất với các loại quy hoạch khác; bổ sung quy hoạch quốc gia, xem lại quy hoạch xây dựng vùng cho phù hợp với Luật Quy hoạch.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trịnh Ngọc Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị, Ban soan thảo cần nghiên cứu, rà soát lại cách dùng từ ngữ, cách dử dụng một số thuật ngữ trong dự thảo Luật để đảm bảo tính logic, kỹ thuật văn bản của một Luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc tập trung, trách nhiệm, sáng tạo của các đại biểu tại phiên thảo luận; khẳng định toàn bộ nội dung Phiên họp toàn thể của Ủy ban đã được hoàn thành tốt. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy tinh thần làm việc sô như trong phiên họp hôm nay tại các phiên họp tại hội trường trong Kỳ họp sắp tới cho đến khi dự thảo Luật được thông qua./.

Thu Phương- Trọng Quỳnh