Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội và một số Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 7, tại phiên họp này, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho ý kiến về dự thảo Báo cáo nghiên cứu, tiếp thu giải trình dự thảo Luật Kiến trúc. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ nghe Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách cho khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường những tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019. Đây là cơ sở để các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kinh tế xã hội tế xã hội tại kỳ họp thứ 7, đóng góp ý kiến cho Chính Phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc Phiên họp
Ngay sau khai mạc, các thành viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghe dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc. Theo đó, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo luật tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ nội dung này.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ trình tự thủ tục đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, sự cần thiết ban hành Quy chế Quản lý kiến trúc, quy trình lập, thẩm định, lấy ý kiến về Quy chế. Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị…
Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách khoa học công nghệ năm 2018, đầu năm 2019; việc phân bổ ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ ở trung ương và địa phương năm 2019
Toàn cảnh Phiên họp chiều ngày 22/4
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 12.190 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là trên 9.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 2.700 tỷ đồng, tăng trên 8% so với năm 2017. Hiện nay, trong tổng kinh phí chi hoạt động động khoa học công nghệ thì ngân sách nhà nước chiếm 52%, chi từ doanh nghiệp chiếm 48%, có trên 600 doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học công nghệ với kinh phí trên 3.200 tỷ đồng.
Cho ý kiến về Báo cáo này, các đại biểu ghi nhận những đóng góp của lĩnh vực khoa học công nghệ trong thành tựu chung của phát triển đất nước, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ những giải pháp khuyến khích đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Liên quan đến nhận định trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước dành cho bảo vệ môi trường ở địa phương do Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định theo quy định phân cấp của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân dựa trên dự báo thu ngân sách của địa phương trong lúc lập kế hoạch thu đầu năm kế hoạch dẫn đến tình trạng bị động, sử dụng đôi khi chưa đúng mục đích và không đạt được hiệu quả mong muốn, đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề nghị cần làm rõ nội dung này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Phiên họp chiều 22/4
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: qua báo cáo, thảo luận của các đại biểu Quốc hội, khoa học và công nghệ thời gian qua có bước tiến quan trọng đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những bất cập cần giải quyết trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị các bộ ngành tiếp tục hoàn thành báo cáo, đặc biệt nêu rõ kết quả đạt được, tồn tại và các kiến nghị, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ hơn để bảo đảm khớp số liệu./.