ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG: VÌ CỬ TRI VÀ CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 4.0

01/02/2019

Năm 2018 là một năm có nhiều dấu ấn với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khi tổ chức nhiều cuộc giám sát về môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ ô nhiễm cao, tại các cơ sở chăn nuôi, tại vùng sạt lở ở các tỉnh phía Nam... được cử tri cả nước quan tâm, ghi nhận. Đặc biệt, cùng với Ban soạn thảo, Ủy ban với tư cách là cơ quan thẩm tra luật đã đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thiện 3 dự thảo Luật: Đo đạc bản đồ được, Chăn nuôi và Trồng trọt, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

      

Một Hội nghị Giải trình của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Để giúp cho cử tri cả nước có thể hiểu rõ hơn về hoạt động của cơ quan chuyên trách của Quốc hội Việt Nam, cơ quan giám sát các lĩnh vực liên quan tới khoa học, công nghệ và môi trường, nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phóng viên: Xin được cảm ơn Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Xin được kinh chúc Chủ nhiệm một năm mới dồi dào sức khỏe và thành công!

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Xin cám ơn phóng viên! Qua đây, xin được gửi lời chúc tới cử tri cả nước, đặc biệt là những cử tri quan tâm, theo dõi Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam một năm mới an khang thịnh vượng và nhiều điều tốt đẹp nhất!

Phóng viên:  Thưa Chủ nhiệm, trong năm 2018 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc xây dựng luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh lực khoa học công nghệ và môi trường với nhiều hoạt động nổi bật được Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao. Chủ nhiệm có thể chia sẻ về những dấu ấn nổi bật của Ủy ban trong năm 2018?

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Năm 2018 là một năm với sự nỗ lực rất cao của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đảng Đoàn Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng rất lớn các nhiệm vụ được giao trên tất cả các mảng công việc, từ giám sát xây dựng luật cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Nổi bật nhất là chỉ trong vòng một năm, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra thông qua 3 dự án Luật gồm Luật Đo đạc bản đồ; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt và cho ý kiến lần đầu đối với Luật Kiến trúc.

Cũng trong năm 2018, bên cạnh việc giám sát theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân công, quy định thì Ủy ban rất chú trọng giám sát những việc đột xuất mà lãnh đạo Quốc hội giao cho. Đặc biệt, nhiều vấn đề nổi cộm mà cử tri, doanh nghiệp quan tâm, kiến nghị, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban đã tiến hành nghiên cứu, tổ chức các cuộc giám sát khoa học, các cuộc thanh kiểm tra sau giám sát nên các kiến nghị đã được Chinh phủ, các Bộ, ban ngành cân nhắc và điều chỉnh. Đấy là những điều rất đáng được ghi nhận.

TSKH.Phạm Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Phóng viên:  Thưa ông, đối với các nội dung giám sát, Ủy ban đã thực hiện giám sát các chuyên đề về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường mang tính chuyên sâu, có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời Ủy ban cũng là cầu nối tổ chức các phiên giải trình về việc sử dụng ami-ăng trắng, việc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như xử lý chất thải chăn nuôi; việc đăng kiểm tàu thuyền sử dụng vật liệu mới; hay việc xử lý tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện; xử lý phế thải của các nhà máy hóa chất... Trước một khối lượng công việc lớn như vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phải nỗ lực và cố gắng như thế nào để hoàn thành các nội dung giám sát vốn được coi là khó và phức tạp này?

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:  Đúng là những nhiệm vụ trên thực sự là khó. Khó bởi vì đây là những nội dung rất chuyên sâu, kể cả các ý kiến của đại biểu  Quốc hội cũng rất khác nhau, ý kiến cử tri cũng khác nhau và trên cả các phương tiện thông tin báo chí dư luận về những vấn đề này cũng rất khác nhau.

Tôi lấy ví dụ: như việc sử dụng amiăng thì dư luận nói rằng việc sử dụng amiăng trắng là gây ung thư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội luôn xác định lấy tiêu chí sức khỏe của người dân là trên hết, bảo vệ môi trường là trên hết nhưng cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, Ủy ban phải nghiên cứu rất sâu tình hình các nước trên thế giới sử dụng như thế nào? Thực tế tại Việt Nam, qua 60 năm sử dụng ra sao? Từ đấy sẽ có những kiến nghị với Chính phủ, với các Bộ, ngành để có những giải pháp phù hợp. Với cách làm như vậy, sau khi có các giám sát, Ủy ban đã tổ chức các phiên giải trình và các cơ quan Chính phủ rất đồng hành, đã cùng với Ủy ban tìm ra các giải pháp. Vì thế, sau khi giám sát, tổ chức phiên giải trình có kiến nghị với Chính phủ, trước những lập luận, căn cứ khoa học thì Chính phủ đã chấp nhận với những kiến nghị của Ủy ban.

Còn về chất thải chăn nuôi cũng như vậy, trước những ý kiến còn nhiều băn khoăn của doanh nghiệp, người dân, cử tri và báo chí, Ủy ban cũng phải tổ chức mời các chuyên gia, mời các doanh nghiệp, mời các nhà khoa học, kể cả những người trong cuộc đến phân tích thế nào là phù hợp, thế nào là bảo vệ môi trường, thế nào là bảo vệ sức khỏe con người... để tất cả có thể đồng quan điểm xây dựng luật. Sau khi giám sát, Ủy ban tổ chức thẩm tra, tổ  chức hội nghị giải trình và có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và  các Bộ đã chấp thuận các kiến nghị của Ủy ban là xác đáng, đồng thời đã chỉ đạo tiến hành thay đổi những nghị định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Rồi đến việc giám sát như chất PPC làm tàu thuyền, các doanh nghiệp cũng kiến nghị không phải chỉ một lần, không phải hai lần mà là rất nhiều lần kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, tới Chủ tịch Quốc hội, đến Chủ tịch nước... Ủy ban đã tổ chức hội nghị không chỉ một lần, giải trình một lần doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm, tiếp tục kiến nghị, Ủy ban lại phải tổ chức lần thứ hai,  thứ ba.... Cuối cùng, trước vấn đề lấy sức khỏe con người lên trên hết, bảo đảm an toàn lên trên hết thì cuối cùng doanh nghiệp cũng đã chấp nhận “tâm phục, khẩu phục” các  kiến nghị của Ủy ban.

Còn rất rất nhiều nội dung khác, trước giám sát mà ban đầu có rất nhiều ý kiến khác nhau thì Ủy ban cần phải nghiên cứu thật sâu, nghiên cứu các nước, nghiên cứu trong nước, nghiên cứu điều kiện thực tiễn và tất cả các nghiên cứu đều phải đặt trên cơ sở bảo vệ môi trường, trên cơ sở sức khỏe người dân là trên hết. Với cách làm khoa học như vậy, dù khó khăn đến mấy, Ủy ban đều có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình .

Phóng viên: Vâng, thưa Chủ nhiệm, tại kỳ họp thứ VI vừa qua, Quốc hội thông qua hai luật, đó là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt. Và với những quy định mới về hình thức chăn nuôi và trồng trọt đã tạo khung pháp lý để hai lĩnh vực này phát triển theo khuynh hướng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Có rất nhiều những cử tri đã bày tỏ rằng người nông dân đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc sản xuất ra những sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu đối với những thị trường lớn là một phần nhờ đóng góp rất lớn của Ủy ban. Chủ nhiệm có thể chia sẻ sự kết nối và sự tương tác vì mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong tương lai?

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:  Phóng viên vừa nhắc tới 02 dự án Luật vừa được thông qua tại kỳ họp vừa rồi, nhưng thực ra trong năm nay thì trước đó đã thông qua Luật Đo đạc bản đồ. Với Luật Đo đạc bản đồ, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, tưởng rằng là những luật mang tính chung chung nhưng thực ra lại mang tính chuyên môn rất sâu, rất chuyên ngành. Ủy ban đã tiến hành thực hiện 3 luật này rất khoa học. Và cũng như việc giám sát các vấn đề liên quan đến nội dung mà tôi vừa nêu thì các công việc được Ủy ban phải thực hiện đồng hành với Chính phủ, đồng hành với các nhà khoa học và phải làm một cách rất thận trọng.

Ví dụ như Luật Đo đạc bản đồ, trước một luật rất chuyên sâu, đi liền với những công nghệ mới, với những công nghệ hiện đại nhất của thế giới, thì trong dự án Luật không thể nói chung chung được, làm sao để lĩnh vực này tiếp cận với những thành tựu mới nhất, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Còn đối với 02 cái dự án Luật là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt thì đây là hai dự án Luật gốc liên quan chặt chẽ, mật thiết đến chăn nuôi của Việt Nam, đến sự phát triển trồng trọt của đất nước. Do đó, Ủy ban đã dày công xây dựng thật tốt. Bởi đã qua rồi cái thời kỳ mà chúng ta chỉ lo đủ ăn, đủ mặc, còn bây giờ phải ăn ngon, ăn chất lượng và không chỉ đảm bảo cho gần 100 triệu dân của mình mà hơn nữa còn phục vụ xuất khẩu với mục tiêu lợi nhuận, đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính của các nước phát triển... đây là vấn đề vô cùng khó. Vì thế, dự án Luật này đã tổ chức và viết thẩm tra những nội dung làm sao cho nó phù hợp với tất cả các nội dung ấy, để làm sao giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững và có chất lượng. 02 dự án Luật này được thông qua với rất nhiều điểm mới, được doanh nghiệp, cử tri, đặc biệt là những người dân được trực tiếp thụ hưởng chính sách này rất hoan nghênh.

Phóng viên: Bắt đầu từ ngày 01/01/2020, Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi sẽ chính thức được thực thi. Ủy ban sẽ có các hoạt động giám sát như thế nào để việc triển khai luật có hiệu quả, thưa Chủ nhiệm?

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:  Như tôi nói ban đầu, các dự án Luật này có nhiều điểm mới, vì thế để triển khai dự án Luật này đúng như Quốc hội đã thông qua thì chúng tôi phải tổ chức giám sát các nội dung mà luật đã ban hành để làm sao thực hiện luật đúng như vậy. Còn những nội dung nào cần phải hướng dẫn thì chúng tôi sẽ phối hợp các Bộ, ngành một cách chặt chẽ để hướng dẫn theo đúng nội dung của luật, đảm bảo ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt của Việt Nam phát triển một cách bền vững trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, đây là quãng thời gian quan trọng, để Ủy ban thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề và chuyên sâu, trong năm 2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ chú trọng vào những nội dung trọng tâm nào?

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đúng như vậy. Năm 2019 là một năm cực kỳ qua trọng, bởi đây là năm mà chúng ta phải xem xét lại cả nhiệm kỳ vừa rồi làm như thế nào để chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới. Do đó, bên cạnh nội dung giám sát chính đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn ra quyết định thì Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phải tập trung làm sao đánh giá lại các cái hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ vừa rồi nhằm tìm ra mặt được, mặt chưa được. Rồi giám sát lại tất cả những hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường trong việc thực thi pháp luật đã được ban hành hay  những mặt được mặt chưa được, những hạn chế về pháp luật để từ đó kiến nghị với Đảng, với Chính phủ. Đầu tiên là chuẩn bị cho Đại hội Đảng để đưa vào các văn kiện, báo cáo các nội dung về mặt khoa học công nghệ và môi trường, từ đó có những kiến nghị cho năm 2020 và nhiệm kỳ sắp tới những nội dung cần quan tâm, những nội dung cần sửa đổi. Làm sao để đất nước ta bước vào 1 thời kỳ mới phát triển theo chiều sâu, phù hợp với một cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mà cả thế giới đang hướng tới

Phóng viên: Nhân dịp đầu năm mới, thay mặt Ban Biên tập xin gửi tới cá nhân Chủ nhiệm và toàn thể Uỷ ban lời chúc sức khoẻ, thành công. Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

 

Mỹ Hạnh