08 VẤN ĐỀ LỚN TRONG VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

28/08/2023

Tiếp tục Chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 28/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã báo cáo về 08 vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 28/8: XEM XÉT CHO Ý KIẾN ‘’DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ’’ VÀ ‘’DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC’’

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị không điều chỉnh về khai thác, sử dụng nước vì việc khai thác thuộc phạm vi của các luật kỹ thuật chuyên ngành. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 04 nhóm chính sách lớn, đảm bảo quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra. Để tránh chồng chéo, kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất về khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Còn việc khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Có ý kiến đề nghị điều chỉnh với nước khoáng và nước nóng thiên nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Các đại biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 1 xác định phạm vi điều chỉnh thuộc phạm vi lãnh thổ của nước CNXHCN Việt Nam đã giới hạn khu vực biển mà Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với nước biển và nước dưới đất dưới đáy biển trong phạm vi từ ranh giới ngoài của lãnh hải trở vào đất liền. Đối với việc khai khác, sử dụng, quản lý nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đã được điều chỉnh trong pháp luật chuyên ngành; quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên ở khu vực này đã được quy định rõ trong Luật Biển Việt Nam, bao gồm cả tài nguyên nước.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (khoản 8 Điều 25; khoản 2 Điều 27; khoản 5 Điều 32; khoản 4 Điều 59; khoản 8 Điều 63; khoản 5 Điều 66). Đồng thời, bổ sung riêng một Điều 22 quy định về bảo vệ nguồn nước mặt.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình (khoản 2 Điều 36), giải pháp phi công trình (khoản 3,4 Điều 36); bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước (khoản 3, 5 Điều 36); bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước (khoản 5 Điều 36). Đồng thời dự thảo Luật đã làm rõ kịch bản nguồn nước được xây dựng và cập nhật thường xuyên theo diễn biến nguồn nước, là căn cứ để quyết định việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, cho các Bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc khai thác, sử dụng nước trong nội bộ ngành và địa phương, nhất là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (tại khoản 5, khoản 6 Điều 36).

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 44 dự thảo Luật. Còn các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước.

Dự thảo Luật đã được bổ sung quy định việc cấp nước sinh hoạt ở cả hai quy mô cấp nước tập trung kết hợp với phân tán tại khoản 3 Điều 44 và tách riêng nội dung quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật. Đồng thời dự thảo Luật đã bổ sung và phân biệt 04 trường hợp: (1) không phải kê khai, đăng ký, hoặc cấp phép khai thác tài nguyên nước; (2) trường hợp chỉ kê khai; (3) trường hợp phải đăng ký; và (4) trường hợp phải cấp phép như Điều 54. Bổ sung quy định về nguyên tắc, căn cứ và điều kiện cấp phép khai thác tài nguyên nước tại các Điều 55, 56 và 57 và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với quy mô, đối tượng quản lý.

Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 03 mức độ: (1) khuyến khích áp dụng; (2) có lộ trình áp dụng và (3) bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ. Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải tại các Điều 58, 69 và 60 dự thảo Luật.

Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hóa nội dung kinh tế nước tại Chương VI và bổ sung các quy định: nguyên tắc quản lý tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 3; chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước tại khoản 1 Điều 4; điều hòa, phân phối tài nguyên nước tại khoản 2 Điều 36 và hạch toán tài nguyên nước tại Điều 71.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, dự thảo Luật đã quy định khái quát trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương chưa được quy định tại các chương, điều và thể hiện lại như Điều 79 của dự thảo Luật. Bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và thể hiện như tại khoản 1 đến khoản 5 Điều 79; bổ sung trách nhiệm Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tại khoản 6 đến khoản 8 Điều 79; bổ sung cơ chế phối hợp giữa bộ TN&MT với các Bộ có liên quan tại Điều 79; trách nhiệm của UBND các cấp tại Điều 80 dự thảo Luật.

Về tổ chức lưu vực sông, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, quy định về tổ chức lưu vực sông được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước hiện hành. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ quy định về tổ chức liên ngành, đồng thời rà soát, chỉnh lý quy định về nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, trong đó có nhiệm vụ điều phối, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng nước; tham gia ý kiến, tư vấn cho Chính phủ, Bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước mang tính liên quốc gia, liên vùng, đa ngành, liên quan đến nhiều địa phương trên cùng lưu vực sông thể hiện tại khoản 4 Điều 81 dự thảo Luật./.

Trọng Quỳnh