SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: CẦN THIẾT PHẢI THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ LƯU VỰC SÔNG

27/04/2023

Cần thành lập các ban quan lý lưu vực sông để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và cứu các dòng sông "đã chết" là ý kiến được các đại biểu thảo luận tại hội thảo Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước ( sửa đổi) do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức tại Vĩnh Phúc.

LẤY Ý KIẾN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo

Theo các đại biểu, Luật Thủy lợi năm 2017 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân phối tài nguyên nước. Trong khi đó, theo quy định tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thì Bộ Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Một nhiệm vụ phân phối tài nguyên nước mà 2 Bộ cùng thực hiện là chưa bảo đảm tính thống nhất, có thể gây mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện và làm giảm hiệu quả quản lý nước giữa các Bộ.

Do vậy, một số đại biểu đề nghị cần thành lập các ban quản lý lưu vực sông và trao quyền, trách nhiệm rõ ràng để tạo thuận lợi cho ban này hoạt động nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội cứu những dóng sông chết. Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng cần làm rõ cơ chế hoạt động của ban quản lý lưu vực sông, cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong ban.

Cũng theo các đại biểu, việc quản lý theo lưu vực sông hay quản lý theo hệ thống công trình thủy lợi là phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới hiện nay vì: Nguồn nước hình thành trọn vẹn trên một lưu vực sông nên việc đánh giá về số lượng và chất lượng sẽ chính xác và đầy đủ nhất theo phạm vi khép kín. Do đó, nếu như không có sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông, sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng nước giữa các tỉnh, vì vậy thành lập các ban quan lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm đó là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đây cũng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Hiện nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp và chỉ khoảng 12,5% nước thải đô thị. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị, cần xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Do vậy, việc bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng cần được xác định trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, cần có cơ chế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các giải pháp tuần hoàn nước, công nghệ tái chế nước thải cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Ghi nhận các ý kiến góp ý xác đáng, có tính chuyên môn sâu của các đại biểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, hội thảo đã cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bên cạnh đó cũng là tài liệu tham khảo quý báu, hữu ích khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ Năm tới./.

Diệu Huyền