ĐỀ XUẤT XEM XÉT QUY ĐỊNH VỚI TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG THEO HÌNH THỨC KHÔNG THU CƯỚC QUA BIÊN GIỚI

28/03/2023

Đóng góp vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp đề xuất xem xét lại quy định nghĩa vụ đối với tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ OTT, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu qua biên giới...

DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): CÂN NHẮC MỞ RỘNG PHẠM VI ÁP DỤNG ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CÁC DỊCH VỤ KHÔNG PHẢI LÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

DỰ KIẾN TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 5 TỚI

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 11 chương, 79 điều dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Hiện nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật là Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trước khi trình Quốc hội thảo luận.

Một trong những nội dung đang được các doanh nghiệp quan tâm là vấn đề cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, tại khoản khoản 3 Điều 22 quy định nghĩa vụ đối với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) theo hình thức không thu cước qua biên giới có số người sử dụng vượt mức ngưỡng theo quy định của Chính phủ thì phải cung cấp dịch vụ thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các yêu cầu này cũng được áp dụng cho nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu qua biên giới quy định tại khoản 4 Điều 22.


Bà Đào Thị Nga- đại diện Liên minh Internet Châu Á (AIC).

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, bà Đào Thị Nga- đại diện Liên minh Internet Châu Á (AIC) cho rằng, việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ OTT phải có thỏa thuận thương mại tại khoản 3 Điều 22 là thiếu cơ sở pháp lý và sẽ gây ra các quan ngại về cạnh tranh. Quy định này sẽ tạo ra điều kiện không công bằng cho các nhà cung cấp dịch vụ OTT khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Điều này cũng sẽ tạo nên rào cản tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp nước ngoài và dẫn tới hạn chế sự phát triển của các dịch vụ OTT tại Việt Nam. Người dùng tại Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp vì sẽ không thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ OTT miễn phí mà họ đang sử dụng hiện nay. Hiện rất nhiều OTT đang được sử dụng là công cụ liên lạc chính của người dùng Việt Nam cũng như người nước ngoài ở Việt Nam. Hệ quả là sẽ cản trở những nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, dẫn đến làm giảm lợi thế cạnh tranh của quốc gia trên quy mô toàn cầu.

Theo bà Đào Thị Nga, yêu cầu với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam là không cần thiết và có thể tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác. Các nhà cung cấp dịch vụ có thể có các kênh liên lạc với cơ quan Nhà nước và giải quyết các vấn đề về quy định quản lý mà không cần có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việc lập văn phòng đại diện sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ và tăng chi phí cho doanh nghiệp và có thể cản trở đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vì những lý do nêu đó, bà Đào Thị Nga khuyến nghị bỏ các quy định tại khoản 3 và 4 của Điều 22. 


Bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi).

Đồng thuận với quan điểm trên, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) khẳng định, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam. Thực tiễn này đặc biệt phổ biến đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ do không đáp ứng được các yêu cầu trong Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Vì vậy, các quy định hạn chế đối với hai loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn.

Với bất cập trên, bà Nguyễn Việt Hà đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cân nhắc, xem xét lại các quy định tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT theo hình thức không thu cước qua biên giới có số người sử dụng vượt mức ngưỡng theo quy định của Chính phủ thì phải cung cấp dịch vụ thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Trước những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa những ý kiến, cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng những đề xuất của các  doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện dự thảo Luật. Về phía Liên đoàn VCCI tiếp tục nghiên cứu thêm về các điều khoản, luật pháp quốc tế để dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tương thích được với pháp luật quốc tế./.

Bích Lan

Các bài viết khác