PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 4 CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

07/10/2022

Chiều ngày 07/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 4 CỦA UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG: THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Nguyễn Phương Tuấn cùng đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng và đại diện một số Bộ ngành khác các cùng các chuyên gia.

Báo cáo tại phên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có 08 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết xuất phát từ những lý do: 

Thứ nhất, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2014 của Bộ Chính trị, một trong những chủ trương, chính sách quan trọng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là phải: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng...”. 

Thứ hai, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể: Việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong Luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này; Thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội cần có hành lang pháp lý cụ thể; Thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; Thiếu các quy định về trách nhiệm của các chủ quản nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cũng cần phải sửa đổi để đồng bộ với các quy định về an toàn, an ninh mạng do các luật ban hành sau. Mục đích của việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia; Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn. 

Quan điểm của việc xây dựng Luật phải phù hợp với Hiến pháp và tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. 

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định. 

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành trong các lĩnh vực. Các Bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về nội dung giao dịch trong các lĩnh vực trên môi trường thực ra sao thì lên môi trường số vẫn sẽ chịu trách nhiệm quản lý đúng theo lĩnh vực đó. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết nội dung Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức