XÁC ĐỊNH KỸ LƯỠNG LÀ TÀI NGUYÊN TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN PHẢI ĐƯỢC SỬ DỤNG, KHAI THÁC HIỆU QUẢ NHẤT

08/08/2022

Sáng ngày 08/8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo chuyên đề về Phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và các thành viên của Ủy ban; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; đại diện lãnh đạo của một số Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính cùng một số chuyên gia, nhà khoa học.


Toàn cảnh Hội thảo.

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Tuy nhiên, trải qua quá trình thực thi cho đến nay, một số điều của Luật hiện không còn phù hợp với thực tiễn nên cần có sự chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục  trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tại phiên họp tháng 8/2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa nhấn mạnh: Quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho thấy, việc cấp phép thông qua đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng và doanh nghiệp cạnh tranh để được tiếp cận quyền sử dụng đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao này. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấp phép băng tần có giá trị cao như băng tần thông tin di động thông qua đấu giá. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng những yêu cầu nhất định, có cam kết triển khai mạng viễn thông và phải cạnh tranh nhau về giá trả cho băng tần, kênh tần số muốn mua. Thông qua cơ chế đấu giá, phần nào hạn chế được những doanh nghiệp không đủ năng lực, qua đó phân bổ tài nguyên tần số đến được với những doanh nghiệp có khả năng sử dụng hiệu quả.

Quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 đưa ra ba hình thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Trong đó, đấu giá, thi tuyển áp dụng đối với băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao và nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ. Tuy nhiên, chưa xác định rõ băng tần, kênh tần số nào là có giá trị thương mại cao, trường hợp nào đấu giá, trường hợp nào thi tuyển. Vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cần làm rõ hơn về nội dung này.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật. Theo đó, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật cần làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp. Trong đó, quy định đấu giá đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất; băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng khác khi mà số lượng tổ chức có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ, giao Chính phủ quy định về xác định nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ. Thi tuyển được áp dụng đối với băng tần, kênh tần số cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có tổ chức mới tham gia thị trường để thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIV bày tỏ ý kiến.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIV nêu quan điểm: Luật Tần số số vô tuyến điện năm 2009 quy định 3 phương thức cấp phép đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Cả 3 phương thức này đều có những ưu điểm.

Đồng tình với phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật, ông Đặng Đình Luyến cho rằng, phương thức này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đã góp phần công khai, minh bạch quyền sử dụng tài nguyên quốc gia cũng như mang lại lợi ích cho Nhà nước nhiều hơn. Tuy nhiên, khi sửa đổi dự án Luật lần này, cơ quan soạn thảo Luật phải quy định rõn hơn về điều kiện để các doanh nghiệp được thực hiện sử dụng tần số vô tuyến điện theo phương thức đấu giá, thi tuyển hay cấp trực tiếp. Ngoài ra, Điều 18 của dự án Luật cũng cần phải rõ ràng để các đối tượng thực hiện việc sử dụng tần số vô tuyến điện; cần thiết thì cũng cần xem xét sửa đổi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để phù hợp hơn với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến, đưa ra các kiến nghị, đề xuất đối với phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại khoản 5 Điều 1 dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức các cuộc hội thảo để làm rõ những nội dung mà các đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 3. Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đó, Ủy ban đã cùng với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Dự kiến, dự án Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hôi xem xét tại Phiên họp tới để trình Quốc hội đóng góp, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Việc cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải được xác định kỹ lưỡng là tài nguyên chỉ được cấp phép cho chủ thể sử dụng, khai thác hiệu quả nhất. Góc độ kinh tế, tài chính thu được phải tốt nhất. Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cần đồng bộ, thống nhất với Luật Đấu giá tài sản và các luật liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu Ủy ban và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, đơn vị tiếp tục tập trung nghiên cứu, làm rõ những ý kiến đóng góp của các đại biểu nêu tại Hội thảo này cũng như các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội nêu lên ở Tổ và trong Hội trường tại Kỳ họp thứ 3 để hoàn thiện các nội dung trong dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Bên cạnh đó, các cơ quan cần tập hợp ý kiến, nội dung tại những đợt khảo sát tại các tỉnh, thành phố đối với nội dung của Luật; rà soát loại 3 hình thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cũng như Nghị định 88/2021/NĐ-CP để làm rõ, minh bạch đối với các trường hợp thông qua từng hình thức cấp phép khác nhau. Ngoài ra là cần xem xét kỹ việc thực hiện dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có mâu thuẫn với Luật Đấu giá tài sản và các luật khác hay không và nếu có thì ở chỗ nào để có sự điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 


Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề cập về sự cần thiết của việc cho ý kiến đối với phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại khoản 5 Điều 1 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.


Bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định cần thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và cho biết, Bộ đang cùng với các Bộ ngành hữu quan nghiên cứu để đưa ra mức giá áp dụng cho doanh nghiệp.
 

Bà Nguyễn Quỳnh Thoa – Chuyên viên Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đề cập về áp dụng một số quy địnhh tại Luật Đấu giá tài sản vào trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sao cho thống nhất.

 Phó Chủ tịch Hội vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan khẳng định, việc cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp có năng lực  là phương thức tốt nhất để giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIV nêu quan điểm: Điều 18 của Dự án Luật cần được quy định rõ ràng để các doanh nghiệp thực hiện tốt việc sử dụng tần số vô tuyến điện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo, nhấn mạnh việc cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải được xác định kỹ lưỡng là tài nguyên chỉ được cấp phép cho chủ thể sử dụng, khai thác hiệu quả nhất. 

Bích Lan- Minh Thành