SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN GÓP PHẦN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

09/05/2022

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực...


Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ ba với nội dung là Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Tham dự Phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cùng các thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành.

Tại Phiên họp, đề cập về thẩm tra đối với dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (dự án Luật). Để phục vụ việc thẩm tra, Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức các đợt khảo sát, hội thảo, tọa đàm, tham vấn các chuyên gia, nhà quản lý; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung của dự án Luật; đã mời đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia phối hợp thẩm tra.


Toàn cảnh Phiên họp.

Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực, trong đó có tài nguyên tần số vô tuyến điện; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gửi hồ sơ dự án Luật tới cơ quan thẩm tra của Quốc hội chưa bảo đảm đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề “Nâng cao hiệu quả khai thác các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp đặc biệt”: Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, nội dung này chưa được đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và một số Bộ, ngành có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013. Về tổng thể, dự thảo Luật kế thừa hợp lý các quy định của Luật hiện hành; bổ sung một số quy định mới; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan trình dự án Luật phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật để phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan.

Về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên: Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, phần lớn các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, việc bổ sung nội dung sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại dự thảo Luật có thể chưa bảo đảm nguyên tắc tiếp cận thị trường, minh bạch và cạnh tranh trong phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế - xã hội theo quy định của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 như sau:“Quy hoạch băng tần là quy hoạch phân chia băng tần thành một hoặc nhiều khối băng tần cho một loại hệ thống thông tin vô tuyến điện và quy định việc phân bổ băng tần đó cho một hoặc nhiều tổ chức sử dụng theo những điều kiện cụ thể. Đối với băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng thì việc phân bổ bao gồm giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần được quy hoạch hoặc trong nhóm băng tần nhất định”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, qua thảo luận, có ý kiến cho rằng, băng tần di động là đầu vào thiết yếu để doanh nghiệp thông tin di động triển khai mạng lưới, kinh doanh và cung cấp dịch vụ viễn thông. Việc giới hạn này có thể ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn nhà mạng và sử dụng mạng di động, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, đa số ý kiến thấy rằng tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn. Doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần thì có thể xảy ra tình trạng một tổ chức, doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tài nguyên viễn thông/tần số, làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: Qua thảo luận, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đưa ra các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, bao gồm: cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng việc quy định như dự thảo Luật về đấu giá, thi tuyển là không rõ ràng, khó hiểu; chưa có quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá hoặc thi tuyển để làm cơ sở cho Bộ Thông tin và Truyền thông công bố băng tần, kênh tần số được đấu giá hoặc thi tuyển.

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật về các tiêu chí, điều kiện đối với băng tần, kênh tần số được cấp giấy phép trực tiếp. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về vấn đề này như trên. Điểm a khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung quy định “Băng tần có giá trị thương mại cao, bao gồm nhưng không giới hạn băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất” là chưa rõ ràng, khó hiểu. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị rà soát, chỉnh sửa lại nội dung quy định Điều 18 nhằm đáp ứng yêu cầu “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” được quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Tại cuộc họp thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT có 02 loại ý kiến về vấn đề đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định việc đấu giá quyền sử dụng đối với những băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao như trong dự thảo Luật đã thể hiện nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong việc cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (trừ các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh).

Loại ý kiến thứ hai: Chưa nên đặt vấn đề đấu giá đối với những băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao trong thời điểm hiện nay, vì các nhà mạng viễn thông di động lớn ở nước ta hiện nay hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, thực hiện đấu giá có thể dẫn đến việc nhà mạng nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ trúng đấu giá, tiềm ẩn yếu tố không đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. Các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng thể hiện quan điểm chưa nên đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, qua thảo luận, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, cần kế thừa quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Vì vậy, trong dự thảo Luật phải bổ sung quy định chặt chẽ, rõ ràng các điều kiện để đối tượng được tham gia đấu giá; các yêu cầu về đảm bảo quốc phòng, an ninh; cơ quan có thẩm quyền quyết định băng tần được đấu giá; cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu giá và công bố kết quả đấu giá,…Việc bổ sung các quy định cụ thể này nhằm vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh thị trường kinh doanh thông tin di động.

Về việc quyết định, công bố băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển: Tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 18) quy định: “Bộ Thông tin và Truyền thông công bố băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này được đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ”. Qua thảo luận, có một số ý kiến đề nghị băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không nên quy định cho Bộ Thông tin và Truyền thông như trong dự thảo Luật, nhằm đảm bảo tính trách nhiệm, chặt chẽ và tương xứng với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành: Tại điểm c khoản 6 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung quy định: Tổ chức được cấp phép thông qua hình thức đấu giá, thi tuyển, cấp lại vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong giấy phép sử dụng băng tần đã được cấp hoặc thu hồi giấy phép sử dụng băng tần nếu không khắc phục hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép.

Việc quy định như trong dự thảo là chưa rõ ràng, mà cần phải quy định rõ mức độ vi phạm nào có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong giấy phép sử dụng băng tần và mức độ vi phạm nào thì bị thu hồi giấy phép sử dụng băng tần. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt không có hình thức “thu hồi giấy phép”; các biện pháp khắc phục hậu quả, không có “khắc phục hành vi vi phạm”. Do đó, đề nghị Cơ quan trình dự án Luật rà soát, sửa đổi, bổ sung cho bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ quy định “… Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép” là hình thức quản lý nhà nước hay là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; và dựa trên cơ sở pháp lý nào. Đồng thời, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật các khoản tài chính nêu trên.

Về bổ sung Điều 20a cấp lại giấy phép sử dụng băng tần quy định tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật: Tại khoản 1 Điều này quy định "Trong thời hạn 3 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hạn, tổ chức có nhu cầu được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét được cấp lại giấy phép".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn thông tin thêm, qua khảo sát thực tiễn, đa số doanh nghiệp viễn thông đề nghị nên quy định cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp được xem xét cấp lại giấy phép sử dụng băng tần trước 5 năm tính từ thời điểm giấy phép hết hạn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong phương án kinh doanh, giảm thiểu rủi ro về đầu tư hạ tầng. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan trình dự án Luật cần làm rõ căn cứ về quy định thời hạn 3 năm.

Về quy định "Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hiệu quả sử dụng băng tần, kênh tần số”: Tại khoản 4 Điều này, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng cần quy định các điều kiện cụ thể đánh giá hiệu quả sử dụng băng tần ngay trong Luật mà không nên giao cho Bộ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 31 của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành: Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 31 quy định về việc thu phí, lệ phí, tiền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 31 mới chỉ quy định: “Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện” mà chưa quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định "tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải nộp vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước".

Về quy định cấp Chứng chỉ vô tuyến điện viên: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 32 của Luật Tần số vô tuyến điện như sau:

Thứ nhất: Người trực tiếp khai thác thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động hàng hải, di động hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư phải có Chứng chỉ vô tuyến điện viên, trừ trường hợp đã có chứng chỉ tương đương theo quy định Luật chuyên ngành hoặc cam kết quốc tế có quy định khác.

Thứ hai: Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; quy định các loại chứng chỉ vô tuyến điện viên, đối tượng, điều kiện, thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên, công nhận chứng chỉ vô tuyến điện viên nước ngoài.”.

Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên là phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong công tác đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “thuộc nghiệp vụ di động hàng hải, di động hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư” vào sau cụm từ “cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên” tại khoản 2 Điều 32 để thể hiện minh bạch, rõ ràng hơn về đối tượng được cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, sau Phiên họp toàn thể lần thứ ba này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ được cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới./.

Bích Lan