ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ BA

08/05/2022

Sáng ngày 08/5, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ ba thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

 


Toàn cảnh Phiên họp.

Tham dự Phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cùng các thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế, cho quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện. Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi hành, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung; một số quy định cần được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật.

Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước có liên quan đến tần số vô tuyến điện đã được ban hành trong các văn bản như Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Văn kiện Đại hội 13 của Đảng về nội dung hạ tầng thông tin, viễn thông, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên…

Nhằm thể chế hóa kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu hội nhập quốc tế vào trong Luật Tần số vô tuyến điện; đồng thời khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quản lý và để phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 này và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Có thể nói, đây là một trong những dự án Luật đầu tiên trình Quốc hội trong nhiệm Kỳ khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo. Đây cũng là một trong những dự án luật trong chuỗi các dự án Luật sẽ được trình Quốc hội để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số. Dự án Luật đã được thẩm tra sơ bộ tại Phiên họp Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mở rộng ngày 05/4/2022 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 (ngày 18/4/2022).

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Thông báo số 908/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội), trong thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tích cực phối hợp, đôn đốc; cơ quan soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật theo các ý kiến phát biểu và kết luận tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Đề cập về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự án Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với những nội dung chủ yếu: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan...

Trong khuôn khổ Phiên  họp, các đại biểu tập trung vào những vấn đề chính sách, những vấn đề lớn như: Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế; Phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: cấp trực tiếp, đấu giá hay thi tuyển; Vấn đề đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; Quy định về việc quản lý, sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; Về cam kết triển khai mạng viễn thông; Bổ sung quy định trong kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; Việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp đặc biệt), đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, xác đáng, phù hợp.

Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến đóng góp ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết ban hành Luật vì những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 97/TTr-CP ngày 26/3/2022 của Chính phủ nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Tuy nhiên, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Phạm Thị Hồng Yến đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật với quy định của các luật khác có liên quan để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phí, lệ phí, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp…; đồng thời đối với nội dung sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích kinh tế - xã hội, đề nghị tiếp tục rà soát về tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Phạm Thị Hồng Yến đề nghị giải trình rõ lý do bổ sung thêm chính sách quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện so với các nội dung chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 20/8/2021 tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Nêu quan điểm về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, cần làm rõ về cơ chế quản lý việc cấp giấy phép nhằm đảm bảo chất lượng tần số, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên về sử dụng tần số vô tuyến điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến của đại diện các Ủy ban, đại biểu Quốc hội và một số đơn đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Những ý kiến, đề xuất thực sự có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật; làm rõ thêm một số vấn đề về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy, tần số vô tuyến điện là tài nguyên vô cùng quý giá nên việc phân bổ, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải thực sự hiệu quả. Vì vậy, việc sửa đổi dự án Luật lần này phải giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cần hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật và có thể bổ sung phần báo cáo đánh giá tác động; làm rõ hơn việc cấp giấy phép, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; việc cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Luật tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 tới./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:


Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn trình bày thẩm tra đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình nêu quan điểm đối với dự án Luật. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm bày tỏ sự cần thiết đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật. 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu trực tuyến đề cập việc cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Trần Văn Khải đề cập sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để phù hợp trong thời đại Công nghệ 4.0 và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu quan điểm về việc cấp phép, thi tuyển và đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng đóng góp vào những nội dung chính đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp vào việc sửa đổi dự án Luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công  nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh yêu cầu cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ về cấp mới và cấp lại giấy phép sử dụng băng tần cho các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Khắc Hưởng - Đại diện Bộ Công an đề cập rõ hơn về những nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp, khẳng định tần số vô tuyến điện là tài nguyên vô cùng quý giá nên việc phân bổ, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải thực sự hiệu quả.

Bích Lan-Nghĩa Đức