LẤY Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

15/05/2020

Ngày 15/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; và Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải đồng chủ trì Hội thảo.


Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Mục tiêu sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành lần này nhằm hoàn thiện đạo luật bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được tình trạng mất cân bằng sinh thái. 

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành; tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Giấy phép môi trường, và huy động sự tham gia của xã hội bảo vệ môi trường qua công nghệ thông tin.

Về huy động sự tham gia của xã hội bảo vệ môi trường qua công nghệ thông tin, một số ý kiến cho rằng, việc huy động sự tham gia của xã hội vào phát hiện và tố cáo hành vi xả thải ra môi trường nước là cần thiết. Thực tế, sự phát triển của công nghệ thông tin giúp cộng đồng dễ dàng tham gia giám sát và cải thiện được mức độ phản ứng của các cơ quan quản lý về lĩnh vực môi trường. Điều này cũng cho thấy sự đánh giá, kiểm soát lại cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý môi trường trong xử lý vi phạm xả thải. 


Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ông Nghiêm Vũ Khải phát biểu

Một số ý kiến nêu thực tế, cảnh báo chất thải nhựa đang là vấn đề nóng trong giai đoạn hiện nay, và thời gian tới, chất thải điện tử, chất thải do các hoạt động tái tạo năng lượng sẽ là những vấn đề lớn, khó giải quyết hơn. Vì vậy, dự thảo Luật cũng nên bổ sung nội dung về dự báo tác động môi trường.

Điều 41, dự thảo Luật quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông tin chung về dự án như tên, loại hình, địa điểm, xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế công trình phê duyệt dự án; các thông tin, dữ liệu và phương pháp đánh giá tác động môi trường đã sử dụng; việc tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường. Một số ý kiến cho rằng, quy định này có thể gây khó khăn nếu trình tự, thủ tục không phù hợp với thực tế. Tại Điều 159, dự thảo Luật nên xác định giá dịch vụ xử lý chất thải, nước thải được thực hiện thông qua quá trình đấu thầu cung cấp dịch vụ công. Theo đó, các công nghệ đã được đo kiểm thực nghiệm đạt đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì được tham gia đấu thầu tập trung, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Nhà thầu nào thắng thầu thì được công bố là công nghệ tốt nhất ở thời điểm hiện tại và được ký hợp đồng dịch vụ với các địa phương.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XII, XIII Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại hội thảo

Về Giấy phép môi trường, một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ ràng hơn, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng với các đối tượng, tránh tối đa việc dẫn chiếu lòng vòng. Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường nên được đổi lại là "hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường" cho dễ hiểu và giống như quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời, các loại giấy phép môi trường nên quy định theo loại hình quy mô của dự án và cấp xét duyệt dự án, từ đó quy định nội dung, thủ tục quy trình của hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường phù hợp…

Theo chương trình, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)