NHIỀU NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT CHĂN NUÔI ĐÃ ĐƯỢC TIẾP THU, CHỈNH LÝ

16/09/2018

Sáng 14/9, tại hội thảo về Dự án Luật Chăn nuôi do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, đại diện cơ quan thẩm tra đã nêu rõ những nội dung cụ thể được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật chăn nuôi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Đức Tiến phát biểu 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, ngoài hai nội dung lớn của Dự án luật Chăn nuôi là giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi thì nhiều nội dung khác của Dự luật cũng được Ủy ban tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể, về điều kiện cơ sở chăn nuôi, vì mức độ ảnh hưởng của cơ sở chăn nuôi đến khu vực xung quanh phụ thuộc vào trình độ công nghệ áp dụng, loại hình chăn nuôi, quy mô và đối tượng vật nuôi, do đó, để đảm bảo tính khả thi của quy định này trong thực tế dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung về khoảng cách đối với trang trại chăn nuôi, giao Chính phủ quy định cụ thể (khoản 2 Điều 53).

Về đăng ký, kê khai chăn nuôi, để phù hợp với từng loại hình, đối tượng vật nuôi; không phát sinh thủ tục hành chính, Dự thảo Luật loại vật nuôi cụ thể Đồng thời, bổ sung quyền lợi của người chăn nuôi khi thực hiện kê khai chăn nuôi tại điểm a, khoản 1 Điều 55.

Về nội dung xử lý chất thải chăn nuôi, đối với chăn nuôi trang trại, để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và đồng thời tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi làm chất dinh dưỡng cho cây trồng, đầu vào cho sản xuất phân bón, thức ăn thủy sản, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định cụ thể về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải (Điều 59) và tiếng ồn tại Điều 60.

Đối với chăn nuôi nông hộ, dự thảo Luật quy định phải có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng cho người xung quanh; vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y và quy định về xử lý chất thải nguy hại và định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi (Điều 61).

Liên quan đến các quy định về chăn nuôi động vật khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Đức Tiến cho biết, để bao quát hết các đối tượng vật nuôi trên thực tế, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa thuật ngữ về vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và các động vật khác được quy định tại khoản 8 Điều 2 và giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ quy định Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi (khoản 2 Điều 64). Đồng thời, chỉnh sửa tên Mục này thành Chăn nuôi động vật khác cho phù hợp với nội dung được điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế lớn và đang được quản lý tại các văn bản dưới Luật (chim yến, ong mật) được bổ sung quy định cụ thể trong Dự thảo Luật này.

Về vấn đề đối xử nhân đạo với vật nuôi, Phó Chủ nhiệm Phùng Đức Tiến cho biết, pháp luật một số quốc gia quy định nội dung này là “phúc lợi cho vật nuôi”. Tuy nhiên, để phù hợp với pháp luật Việt Nam, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa Mục này thành “Đối xử nhân đạo với vật nuôi”, đồng thời bổ sung quy định bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng, không đánh đập, hành hạ trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển; không gây đau đớn, sợ hãi, phải gây ngất trước khi giết mổ,... (từ Điều 68 đến Điều 71).

Đối với các quy định về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chỉ rõ, để phát triển chăn nuôi thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, bền vững, theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi và xây dựng thương hiệu trong chăn nuôi, Dự thảo Luật đã bổ sung 01 chương mới “Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi” quy định cụ thể về giết mổ; mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi; bảo quản sản phẩm chăn nuôi; chỉnh sửa quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm vật nuôi; bổ sung quy định nghiêm cấm “Nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” (khoản 7 Điều 12) để tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng cụ thể hóa trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi (Điều 75).

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, bản dự thảo Luật chăn nuôi lần này đã tiếp thu tương đối nhiều nội dung; các khái niệm được giải thích rõ ràng; các chương, điều được bố cục hợp lý; nhiều vấn đề về nội dung được soạn thảo chặt chẽ hơn.

 Về vấn đề chăn nuôi động vật khác, một số đại biểu chỉ ra rằng, quy định như Dự luật cũng chưa thật cụ thể, kín kẽ đối với một số loài vật nuôi như ong, chim yến. Do đó các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu các quy định về khoảng cách giữa các điểm đặt ong nội và ong ngoại; quản lý vùng hoa nuôi ong, sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng.

Nhiều đại biểu cũng tán thành cao đối với các quy định về đối xử với vật nuôi như hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi, không đánh đập, hành hạ; phải tôn trọng, cân bằng với các hoạt động về nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.

Ngoài các nội dung cụ thể trên, các đại biểu cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát tổng thể các điều khoản của Dự thảo luật về từ ngữ cho rõ nghĩa, dễ hiểu; đồng thời tránh các quy định xung đột hoặc chồng chéo trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hồ Hương