DỰ ÁN LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG: NỖ LỰC THỰC HIỆN QUYỀN TRÌNH DỰ ÁN LUẬT CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

11/09/2018

Theo chương trình phiên họp thứ 27, sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Đây là dự án Luật do đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội chủ trì soạn thảo.

Trong lịch sử hơn 70 năm hoạt động của Quốc hội nước ta, lần đầu tiên có một đại biểu Quốc hội đã theo đuổi một sáng kiến lập pháp xuyên cả hai nhiệm kỳ và đã trình Dự án Luật ra trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 

Trước đó, tại phiên họp thứ 13 diễn ra vào tháng 8/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này và lùi thời gian trình dự án luật ra Quốc hội do còn nhiều vấn đề trong hồ sơ và băn khoăn về các nội dung của dự thảo luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia…Ban soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủng hộ nỗ lực thực hiện sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ngày 04/9, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công theo Tờ trình số 54/TTr-BSTDALHCC ngày 25/8/2018 của Ban soạn thảo dự án Luật. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lãnh đạo Bộ Nội vụ và đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ban Nội chính Trung ương, một số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội tại Hà Nội là thành viên Uỷ ban Pháp luật. Sau khi nghe đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật trình bày Tờ trình, các đại biểu tham dự đã thảo luận và nêu nhiều ý kiến.

Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công

Cho rằng nội dung dự án luật thu hẹp phạm vi điều chỉnh, quy định về thủ tục hành chính, dịch vụ công và mối quan hệ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công là hợp lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh đánh giá cao quyết tâm của đại biểu trong thực hiện sáng kiến lập pháp và bày tỏ ủng hộ ý tưởng về việc xây dựng luật hành chính công của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một luật do đại biểu Quốc hội thực hiện được xem xét để trình ra Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kỳ vọng nếu lần này thành công thì sẽ là động lực để những đại biểu về sau thực hiện quyền của mình. Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủng hộ để dự án luật được trình lên Quốc hội để 500 đại biểu Quốc hội cùng cho ý kiến xây dựng luật để có những điều chỉnh phù hợp.

Tán thành với ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng cần tiếp tục ủng hộ đại biểu xây dựng luật để tạo ra bước tiến mới trong công tác lập pháp ở nước ta.

Theo Trưởng Ban pháp chế của VCCI Đỗ Anh Tuấn, đây là một luật khó lại là lần đầu tiên một đại biểu Quốc hội – một chủ thể ngoài Chính phủ, chủ trì xây dựng luật nên không thể tránh khỏi những khó khăn trong cơ chế lập pháp hiện nay của nước ta. Do đó, khi thẩm tra, xem xét việc dự án luật có đủ tiêu chuẩn để trình lên Quốc hội hay không nếu đưa ra yêu cầu bảo đảm tài chính, nhân lực là điều kiện cần thiết, với cách thức xây dựng luật như hiện nay thì các dự án luật do đại biểu Quốc hội trình sẽ rất khó để tồn tại.

Chia sẻ thực tiễn hiện nay thủ tục hành chính có rất nhiều ở các cơ quan, bộ, ngành nhưng lại chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai vô cùng hỗn loạn ngay từ quy định về đầu mối tiếp nhận hồ sơ mỗi địa phương mỗi khác,… Trưởng Ban pháp chế VCCI Đỗ Anh Tuấn cho rằng, nhu cầu rất lớn để đồng bộ hóa, thống nhất về thủ tục hành chính trong luật và đây là nhu cầu có thật từ thực tiễn. Do đó, Ban soạn thảo có thể mô tả thêm thực trạng quy định về thủ tục hành chính và thực tiễn thi hành hiện nay để làm rõ thêm sự cần thiết ban hành luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án luật

Cùng với đó, dự thảo luật cũng nên tập trung cho nội dung về thủ tục hành chính trong đó có quy định về một thủ tục hành chính cần bảo đảm nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện gì, địa điểm giải quyết thủ tục hành chính như thế nào, cơ quan nhà nước khi muốn ban hành một thủ tục hành chính mới cần tuân theo quy trình như thế nào, việc đánh giá tác động của thủ tục hành…Khi mà các nội dung này được quy định rõ trong luật thì người dân và doanh nghiệp có thể căn cứ vào luật để giám sát đánh giá thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.

Cần quy định cụ thể quy trình lập pháp đối với dự án do đại biểu Quốc hội trình

Về sự cần thiết ban hành luật, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và sang nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã nhiều lần cân nhắc để đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật. Đến nay khi Quốc hội đã đưa dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một cách chính thức thì vấn đề lúc này là tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật này.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, đây là dự án luật đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cho một đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo và trình. Từ Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và đến nay là Hiến pháp 2013 đều có quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật ra Quốc hội tuy nhiên thực tế chưa thực hiện được quy định này. Cho đến nay khi đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chủ trì soạn thảo dự án Luật Hành chính công là lần đầu tiên quyền này của đại biểu Quốc hội được tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ mong muốn, Uỷ ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ, góp ý để Ban soạn thảo hoàn thiện dự án Luật để có thể bảo đảm đủ điều kiện trình ra Quốc hội.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công

Đồng thời cho rằng, quá trình triển khai tổ chức xây dựng dự án luật này cũng là cơ hội kiểm nghiệm thực tiễn để nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, đặc biệt là quy trình thủ tục ban hành luật do đại biểu Quốc hội trình. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ đề cập để một góc độ nhỏ về việc soạn thảo dự án luật của đại biểu Quốc hội mà chưa quy định rõ về quy trình, điều kiện, cách thức dẫn đến trong quá trình soạn dự án Luật Hành chính công gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bảo Yến