HỘI THẢO ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO DỰ ÁN LUẬT TRỒNG TRỌT

05/09/2018

Sáng ngày 05/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Trồng trọt. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chỉ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh/ thành phố; các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm về lĩnh vực này.

Dự thảo Luật Trồng trọt đã được các đại biểu thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gồm 7 Chương, 85 Điều, quy định về hoạt động trồng trọt, quyền và nghĩa vụ tổ chức, cá nhân trong hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Dự thảo luật cũng quy định nguyên tắc của hoạt động trồng trọt là hoạt động theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, tạo môi trường thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sản xuất có hợp đồng; sản xuất có chứng nhận chất lượng; đảm bảo an ninh lương thực; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp. Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa đồng bộ; áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin; nông nghiệp chính xác, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật

Thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng các thuật ngữ trong dự thảo Luật cần được giải thích cho dễ hiểu hơn như: “khảo nghiệm diện hẹp”, “khảo nghiệm diện rộng”, “phục tráng”, “canh tác”, “canh tác đặc thù”, “canh tác đất dốc”, “mẫu giống cây trồng”, "công nghệ chính xác"… Đồng thời cần thống nhất giải thích khái niệm giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cây cảnh và cây dược liệu với các Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Dược; có ý kiến cho rằng có quá nhiều thuật ngữ được đưa vào Luật nhưng không cần thiết, vừa thừa lại vừa thiếu.

Tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật, tuy nhiên các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng cần thiết kế lại để thể hiện rõ hơn hoạt động trồng trọt là một chuỗi từ khâu tạo giống, phân bón, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề giống cây và phân bón.

Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng, Dự án Luật Trồng trọt có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật như: Luật sở hữu trí tuệ, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật... và nhiều công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới, Công ước đa dạng sinh học, Hiệp định về Các biện pháp Kiểm dịch động thực vật, Hiệp định về các Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại …Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa thống nhất với một số Luật khác như: quy định về trả phí thẩm định hồ sơ, đánh giá công nhận lại tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng  chưa phù hợp với Luật Phí và lệ phí; quy định về đặt tên giống cây trồng mới chưa phù hợp với Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ; quy định về lô giống cây trồng nhập khẩu được coi là hoàn thành thủ tục hải quan là chưa thống nhất với Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Hải quan; quy định về thẩm quyền quyết định về số lượng, danh mục giống cây trồng dự trữ quốc gia là chưa thống nhất với Luật Dự trữ quốc gia... Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ thêm các quy định trong Luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh hội thảo

Ngoài ra, đa số các đại biểu cũng nhận định, nhiều nội dung trong dự thảo đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu, nếu có thể sẽ quy định ngay trực tiếp vào trong luật để khi luật có hiệu lực sẽ thực thi được ngay; không phải vướng mắc trong khâu chờ đợi các văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc, xác đáng của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý tại hội thảo để hoàn thiện Dự thảo Luật; đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao khi dự Luật được thông qua.

Hồ Hương